Ngay cả sau khi một người được tuyên bố là đã chết, sự sống vẫn tiếp tục trong cơ thể, theo một nghiên cứu mới đáng kinh ngạc và mang ý nghĩa quan trọng.

(ảnh: Shutterstock)
(ảnh: Shutterstock)

Biểu hiện gen – chỉ mọi quá trình chuyển đổi thông tin di truyền chứa trong gen (đoạn/chuỗi ADN) để chuyển thành các axít amin (hay protein) – thực sự gia tăng trong một số trường hợp sau khi chết, theo một nghiên cứu theo dõi quá trình sinh lý trên tử thi, được đăng trên tạp chí Open Biology.

“Không phải tất cả tế bào đều ‘chết’ khi một cơ thể chết,” nhà nghiên cứu lâu năm Peter Noble của ĐH Washington và ĐH bang Alabama cho biết. “Những loại tế bào khác nhau có tuổi thọ, thời gian sinh sôi và khả năng chịu áp lực cực điểm khác nhau.”

Thực ra, một vài tế bào dường như đấu tranh để sống sót sau khi cơ thể đã chết.

“Nhiều khả năng một vài tế bào vẫn sống và nỗ lực để tự sửa chữa, đặc biệt là tế bào gốc,” ông Noble cho biết.

Những dấu hiệu của sự sống tế bào

Nhóm các nhà khoa học nhiều quốc tịch, dẫn đầu bởi Alex Pozhitkov, đã nghiên cứu cá ngựa vằn và chuột. Họ tin rằng hiện tượng này xảy ra ở tất cả động vật, bao gồm con người.

Phiên mã gen – bước đầu tiên của biểu hiện gen, khi một đoạn DNA được sao chép thành RNA – là tương quan với căng thẳng, sự miễn nhiễm, viêm, ung thư và những yếu tố khác tăng lên sau khi chết. Và điều này có thể xảy ra trong nhiều giờ thậm chí nhiều ngày sau khi cá thể được tuyên bố là đã chết.

Điều thú vị là, hoạt động phiên mã gen có liên hệ với phát triển phôi cũng tăng lên. Như thể một phần của cơ thể thực sự đi ngược thời gian, thể hiện tính chất tế bào của thời kỳ phát triển đầu đời con người.

Tế bào gốc trong phôi của con người (ảnh: NIH)
Tế bào gốc trong phôi của con người (ảnh: NIH)

Buổi chạng vạng của cái chết

Các nhà nghiên cứu đã xác định được một quá trình “tắt máy từng bước” sau khi chết – một vài quá trình phiên mã gen giảm xuống còn một số khác lại tăng lên. Dù các bước cụ thể chưa biết rõ, nhưng các nhà khoa học tin rằng quá trình này không phải là ngẫu nhiên.

“Cái chết là một quá trình theo thời gian,” ông Noble nói. “Chúng tôi đóng khung cuộc thảo luận về cái chết theo ‘thời gian sau khi chết’ bởi vì một mặt, không có lý do để nghi ngờ rằng vài phút sau khi một động vật chết, phiên mã gen sẽ dừng đột ngột.”

“Mặt khác, chúng tôi biết rằng trong vòng vài giờ cho tới vài ngày, cơ thể của động vật rốt cuộc sẽ phân hủy và phiên mã gen sẽ kết thúc.” Các tác giả gọi khoảng thời gian từ khi chết và bắt đầu phân rã là ‘buổi chạng vạng của cái chết’ – khi biểu hiện gen xảy ra, nhưng không phải tất cả tế bào đều đã chết.

Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người nhận nội tạng, như gan chẳng hạn, thường thể hiện rủi ro ung thư tăng lên sau khi cấy ghép. Các tác giả cho rằng có thể tồn tại mối liên hệ giữa phiên mà gen trong ‘buổi chạng vạng của cái chết’ và rủi ro ung thư tăng cao này.

“Có lẽ sẽ hữu ích khi loại ra những nội tạng cấy ghép có phiên mã gen ung thư tăng cao,” ông Noble cho biết, điều này sẽ giúp hiểu thêm về sức khỏe của nội tạng, tuy vẫn còn cần phải nghiên cứu thêm.

>> DNA: Mật mã nhỏ xíu đang lật đổ thuyết tiến hóa

Nếu đúng là có tồn tại mối liên hệ như vậy, kết quả nghiên cứu có thể giúp giải thích tại sao nội tạng từ những người trẻ và khỏe trước khi chết – ví dụ như qua đời do tai nạn – vẫn có thể tăng rủi ro ung thư của người nhận.

Vì phiên mã gen tương quan với ung thư và viêm cũng có thể tăng lên sau khi chết, phân tích những hoạt động và mô thức đó có thể cho biết những bệnh tật này phát sinh trên cơ thể sống như thế nào và cách cơ thể phản ứng lại.

Ashim Malhotra, một giảng viên tại ĐH Pacific (Oregon) không tham gia vào nghiên cứu, cho biết “người ta có thể kỳ vọng các gen tham gia vào tính miễn nhiễm và viêm [tăng lên để đáp lại một kích thích] ngay sau khi… chết, bởi vì một vài tế bào vẫn sống trong một khoảng thời gian ngắn và cơ chế phiên mã vẫn hoạt động ở ‘chế độ sống.’”

Tuy nhiên, Malhotra cũng ngạc nhiên về quá trình xảy ra giữa 24-48 giờ sau khi chết. Các nhà nghiên cứu đã dừng theo dõi sau 48 giờ, vì thế khả năng là phiên mã vẫn có thể tiếp tục sau hơn 2 ngày.

Có lẽ một số tế bào nhất định sống lâu hơn chúng ta tưởng, nhưng cũng có thể có một cách giải thích khác vẫn chưa được xem xét.

Ông Noble so sánh việc nghiên cứu tử thi với phân tích tòa nhà sập, rằng cả 2 loại điều tra đều có thể tiết lộ cấu trúc nguyên thủy nằm ẩn bên dưới.

“Giống như tòa tháp đôi ngày 11/9, chúng ta có thể thu thập rất nhiều thông tin về một hệ thống sụp đổ bằng cách nghiên cứu chuỗi sự kiện theo thời gian,” ông nói. “Trong trường hợp tòa tháp đôi, chúng tôi thấy một vụ đổ sập có hệ thống từng tầng một và ảnh hưởng tới tầng bên dưới nữa. Điều này cho chúng ta biết về nền tảng cấu trúc nâng đỡ tòa nhà và chúng ta có thể thấy một mô thức tương tự trong quy trình ‘tắt máy’ ở động vật.”

Trì hoãn cái chết

chiec la gia ua image
(ảnh qua biologicalthinking.blogspot.com)

Malhotra hy vọng rằng các thí nghiệm của ông Noble, Pozhitknov và nhóm có thể được lặp lại với thời gian lấy mẫu lâu hơn – có thể là hơn 48 giờ – để có thể hiểu rõ hơn cơ chế phiên mã đã được xác định. Vì nghiên cứu mới này lần đầu xem xét toàn diện để đánh giá những thay đổi trong phiên mã gen sau khi cơ thể chết đi, vẫn còn nhiều câu hỏi cần đào sâu hơn.

Malhotra còn nêu ra câu hỏi lớn về việc hồi sinh người chết. Anh tự hỏi có thể nào “trì hoãn cái chết” nếu hiểu rõ hơn quá trình phân tử đằng sau việc tế bào tử vong và tìm cách “can thiệp vào quá trình tắt máy.”

“Nhìn chung, cái chết giống với tắt máy tính hơn là tắt bóng đèn. Chúng ta sẽ thấy từng bước từng bước, nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu nghiên cứu mới này cho thấy kiến thức hoàn toàn mới về chức năng của hệ thống sinh học phức tạp,” Arne Traulsen làm việc tại Viện sinh học Max Planck cho biết.

Theo Seeker,
Phong Trần biên dịch.

Xem thêm: