Ngày Chủ nhật vừa qua, một đoạn video về hành khách người Mỹ gốc Việt, ông David Dao bị cảnh sát và nhân viên United Airlines cưỡng chế rời khỏi máy bay để nhường chỗ cho phi hành đoàn được đăng tải lên mạng Internet. Nó đã làm dấy lên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ và dữ dội của cộng đồng mạng.

(Ảnh: Shutterstock)
“Nếu một chuyến bay có 100 chỗ bán ra giá vé trung bình 200 USD/vé, và có khoảng 5 chỗ trống trên máy bay, thì hãng bay sẽ mất khoản tiền 1.000 USD.” (Ảnh: Shutterstock)

Khi câu chuyện lan tràn khắp các mặt báo, cũng không ít người đặt ra câu hỏi về việc làm sao mà một chuyến bay lại có thể đặt quá chỗ đến nỗi phải đẩy hành khách ra khỏi máy bay, bất chấp việc họ đã thanh toán tiền vé, làm thủ tục check-in và ngồi yên vị trên ghế của mình.

Vậy thì rốt cuộc vì sao lại có thể book vé quá số người cho phép trên một chuyến bay?

Có ý kiến cho rằng, việc đặt vé máy bay giống như tổ chức một bữa tiệc. Cho dù địa điểm chỉ có thể đủ chỗ cho khoảng 150 người, thì bạn sẽ vẫn mời khoảng 200 vị khách. Bởi lẽ không ít người dự tính rằng, vì một lý do nào đó mà “có thể” sẽ có tới 30% khách vắng mặt không tham dự. Với lịch trình bay cũng tương tự như vậy, rất nhiều hành khách dù đã đặt vé nhưng do đổi kế hoạch bay, có việc đột xuất phát sinh mà họ đã hủy vé ở phút chót. Nếu như không kịp dự phòng tình huống này thì hãng hàng không hẳn sẽ mất một khoản doanh thu không hề nhỏ.

Chẳng hạn, với United Airlines, chỉ cần có khoảng 3 ghế trống trên mỗi chuyến bay trong số 4.523 chuyến hàng ngày của hãng hàng không này, thì United Airlines sẽ mất khoảng 2,7 triệu USD mỗi ngày (giả sử mức vé khoảng 200 USD).

Do vậy, trong quá khứ, người ta thường có thể cho phép đặt nhiều chỗ trên máy bay hơn so với số lượng ghế sẵn có. Có một thuật toán được xây dựng chuyên để thực hiện điều này. Nó dựa trên lịch sử dữ liệu cá nhân của hành khách. Giả như nếu bạn là một hành khách từng có tiền lệ bỏ chuyến, thì thuật toán này sẽ tự động tính thêm ghế để bán trên chuyến bay của bạn.

Sau đó, sẽ có một nhân viên điều chỉnh lại các tính toán này dựa trên các yếu tố thực tế như điều kiện thời tiết, hay có thể có sự kiện lớn nào đó phát sinh khiến mọi người bỏ lỡ chuyến bay hay không.

Các hãng hàng không đã bắt đầu việc đặt quá số ghế cho phép trên máy bay kể từ năm 1950, và nó vẻ là một giải pháp hợp lý về mặt kinh tế. Ông Itir Karaesmen Aydin, một nhà nghiên cứu tại Đại học Hoa Kỳ đã tìm hiểu về ngành công nghiệp khách sạn và hàng không và đưa đến kết luận như sau: “Nếu một chuyến bay có 100 chỗ bán ra giá vé trung bình 200 USD/vé, và có khoảng 5 chỗ trống trên máy bay, thì hãng bay sẽ mất khoản tiền 1.000 USD. Thậm chí nếu họ không phải bồi thường tiền cho những vé trống này, mà không có phương án dự phòng, thì họ sẽ mất cơ hội kiếm thêm 1.000 USD nữa từ 5 chỗ trống này.”

Với United Airlines, mọi việc dường như vẫn hoạt động khá êm xuôi cho đến trường hợp 4 hành khách bị cưỡng chế rời khỏi máy bay của hãng hàng không này hôm Chủ nhật vừa rồi.

hanh-khach-bi-duoi-khoi-may-bay

Để so sánh, các hãng hàng không của Hoa Kỳ chỉ đề nghị khách rời khỏi máy bay khoảng 0,09% trong năm 2014 và 2015. Tỷ lệ này rất thấp, và thường trong những trường hợp khách đồng ý rời khỏi máy bay thì họ sẽ phải bồi thường số tiền gấp 4 lần giá vé máy bay.

Trong sự cố mới đây, các nhân viên của United Airlines đã yêu cầu khách hàng tự nguyện nhường ghế cho phi hành đoàn và đổi lại sẽ bồi thường 400 USD cùng một suất lưu trú khách sạn. Nhưng không có ai đồng ý và nhân viên hàng không đã tăng mức bồi thường lên 800 USD. Đáng chú ý là khi ông David Dao khẳng định không thể rời chuyến bay vì ông cần thăm khám cho bệnh nhận tại Louisville vào sáng sớm thứ Hai thì nhân viên đã dùng bạo lực cưỡng chế ông.

Điều này hẳn sẽ khiến không ít người quan ngại rằng, cho dù mình đã trả tiền, đã yên vị ở chỗ ngồi đến một điểm hẹn với lý do không thể thuyết phục được hơn nữa, thì bạn sẽ vẫn bị “đá” khỏi máy bay nếu như đó là chỗ ngồi mà phi hành đoàn lựa chọn ngẫu nhiên.

An Nhiên

Xem thêm: