Một con robot “mất kiểm soát” đã vượt qua phạm vi an toàn và gây tai nạn tử vong cho nữ kỹ sư tại nhà máy ở bang Michigan, Mỹ.

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Sự việc xảy ra hồi tháng 7/2015. Khi đó, Wanda Holbrook, một nữ kỹ sư có thâm niên 12 năm làm việc tại nhà máy phụ tùng xe hơi Ventra Ionia Mains, Michigan đang thực hiện nhiệm vụ của mình đã bị cỗ máy tự động thả một thiết bị vào đầu gây tử vong.

Ngày 7/3 vừa qua, chồng của cô, anh William Holbrook đã đệ đơn lên tòa án liên bang Michigan, cáo buộc 5 công ty lắp ráp và chế tạo robot ở Mỹ có liên quan đến vụ việc này, bao gồm Prodomax, Flex-N-Gate, FANUC, Nachi và Lincoln Electric.

Theo biên bản vụ kiện, khi đó Wanda đang bảo trì máy móc tại khu vực 140 hoặc 150 của nhà máy thì con robot từ khu vực 130 bất ngờ bị kích hoạt mà không có báo hiệu trước. Khu vực mà Wanda làm việc được ngăn cách bởi một loạt cửa an toàn và theo lý thuyết, con robot này không thể di chuyển qua đó được. Nhưng rốt cuộc nó lại tới được chỗ Wanda, thả một thiết bị to và nặng ngay tại ví trị mà cô đang đứng. Các đồng nghiệp của Wanda đã nhanh chóng nhận thấy tai nạn nhưng không thể cứu cô khỏi chấn thương đầu quá nặng.

Anh William Holbrook yêu cầu 5 công ty này phải bồi thường thiệt hại cho những tổn thất mà gia anh phải gánh chịu. Anh còn cáo buộc ba công ty FANUC, Nachi và Lincoln Electric có vấn đề liên quan tới bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm và bảo hành sản phẩm. Anh cho rằng, những con robot hay các thiết bị tự động của các hãng này không đạt chuẩn thiết kế, chưa được thử nghiệm kỹ và lại càng chưa thể đưa ra ứng dụng.

Phía luật sư của Lincoln Electric là Amanda Butler chưa có bất kỳ phát ngôn nào. Ông cho hay: “Hiện chúng tôi vẫn chưa thể đưa ra bất cứ bình luận nào trước khi mọi việc sáng tỏ. Chỉ có thể nói rằng công ty luôn tận tâm với thiết kế và quá trình chế tạo để đảm bảo độ an toàn ở mức tối đa cho sản phẩm.”

Trước đây, cũng từng có nhiều vụ việc liên quan đến tai nạn do robot gây ra. Chẳng hạn như, năm 1979, một cánh tay robot thuộc dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Ford ở Flat Rock, Michigan đã gây ra cái chết cho một công nhân khi đang làm việc. Và năm 2014, Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp (OSHA) cũng đưa ra thông báo, có khoảng 30 vụ tai nạn gây tử vong liên quan tới robot trong vòng 30 năm qua.

Hiện tại, vẫn chưa có quy chuẩn an toàn cụ thể cho các ngành liên quan tới robot. Và nếu vấn đề này không được coi trọng, thì con số tử vong có thể sẽ còn tăng cao trong bối cảnh nhiều ngành công nghiệp chuyển giao sang sử dụng máy móc tự động hóa.

Và có lẽ, bên cạnh việc đánh thuế robot khi chúng chiếm dụng công việc của con người như Bill Gates đề xuất, thì cũng cần những điều luật quy định dành cho robot, giống như vấn đề mà nhà văn Mỹ Isaac Asimov đã đưa ra trong truyện ngắn viễn tưởng của ông trước đó, bao gồm:

  1. Robot không thể làm con người bị tổn thương hay “đứng nhìn” một con người lâm vào nguy hiểm.
  2. Một robot phải tuân lệnh con người, trừ khi mệnh lệnh đó trái với luật số 1.
  3. Một robot phải tự bảo vệ cho sự tồn tại của mình, trừ khi điều đó mâu thuẫn với luật số 1 hay số 2.

Minh Nhật (T/H)

Xem thêm: