Khi nhắc đến Hy Lạp cổ đại, bạn thường nghĩ tới điều gì? Nền dân chủ, thế vận hội Olympic, thần thoại hay triết học? Ít ai biết rằng công nghệ thời cổ đại cũng đã rất cao cấp và máy tính Antikythera chính là một bằng chứng đáng kinh ngạc.

Google kỉ niệm ngày tìm thấy Máy tính đầu tiên của thế giới

Vào ngày 17/5/1902, nhà khảo cổ Hy Lạp Valerios Stais đã tìm thấy một cục kim loại rỉ sét từ xác một con tàu đắm ngoài khơi đảo Antikythera, ông không biết rằng sau này thứ ông cầm trong tay lại được mô tả là chiếc máy tính analog đầu tiên của thế giới – hay còn gọi là cỗ máy Antikythera.

Nhiều người có thể cho rằng cái tên “máy tính analog” là hơi cường điệu hóa, nhưng không thể phủ nhận rằng cỗ máy này là chiếc máy tính thiên văn nhỏ gọn và có niên đại lâu nhất mà chúng ta biết tại thời điểm này.

Hình vẽ của Google kỷ niệm 115 năm ngày tìm ra cỗ máy Antikythera. “Một tàn tích rỉ sét mở ra cả bầu trời kiến thức và cảm hứng,” tờ Express của Anh ghi nhận.
Hình vẽ của Google kỷ niệm 115 năm ngày tìm ra cỗ máy Antikythera. “Một tàn tích rỉ sét mở ra cả bầu trời kiến thức và cảm hứng,” tờ Express của Anh ghi nhận.

Giới thiệu về cỗ máy Antikythera

Antikythera là một thiết bị bằng kim loại, bao gồm ít nhất 30 bánh răng ăn khớp với nhau và các bộ phận cơ khí phức tạp, tinh vi. Những dòng chữ khắc trên chiếc máy này chính là bản hướng dẫn sử dụng.

Video giới thiệu về Antikythera:

“Nếu nó không được tìm thấy… không một ai dám nghĩ rằng vật thể này có thể tồn tại, bởi lẽ nó có cấu trúc quá phức tạp”, Tiến sĩ Tony Freeth nhận xét trong một bộ phim tài liệu của NOVA về thiết bị này.

Một số người cho rằng thiết bị đáng kinh ngạc này đã được khởi xướng bởi nhà phát minh và nhà toán học nổi tiếng Archimedes. Nhà nghiên cứu Derek de Solla Price, người đã phân tích cỗ máy vào thập niên 1960, nói rằng khám phá này tương tự như việc tìm ra một động cơ đốt trong tại lăng mộ của pha-ra-ông Tutankhamen.

Bằng cách nghiên cứu số lượng những chiếc răng trên bánh răng, cùng với các con số trên bản hướng dẫn sử dụng, và chu kỳ thiên văn từ các cổ vật, các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng chiếc máy này có thể tính toán các biến đổi thiên văn.

Mảnh vỡ của cỗ máy, kèm theo ảnh chụp X quang
Mảnh vỡ của cỗ máy, kèm theo ảnh chụp X quang (ảnh: Andrew Barclay/Flickr)

Thiết bị này có hai mặt. Một mặt có đĩa số bao gồm 365 ngày dương lịch của người Ai Cập kèm theo 12 cung hoàng đạo. Bằng cách xoay quay tay ở bên phải, người sử dụng có thể di chuyển đĩa số đến một ngày nhất định và xem vị trí chính xác của Mặt trăng và Mặt trời cũng như chu kỳ của Mặt trăng vào ngày đó.

Các nhà nghiên cứu đã làm một mô hình chiếc máy tính này theo kiểu dáng của nó hàng nghìn năm về trước. (ảnh: Wiki)
Các nhà nghiên cứu đã làm một mô hình chiếc máy tính này theo kiểu dáng của nó hàng nghìn năm về trước. (ảnh: Wiki)

“Ấn tượng hơn nữa là khả năng dự đoán nhật thực và nguyệt thực. Người Babylon xưa đã biết rằng nếu nhìn thấy nhật thực, hiện tượng đó sẽ lại xảy ra vào 223 lần mặt trăng tròn tiếp theo. Chu kỳ này kéo dài khoảng 18 năm, được gọi là chu kỳ thiên thực (Saros cycle). Phải có tính toán toán học và công nghệ phức tạp thì mới có thể áp dụng chu kỳ này vào trong cỗ máy,” GS. Peter Lynch của ĐH Dublin viết.

Biểu đồ các bánh răng bên trong chiếc máy tính Antikythera. (Wikimedia Commons)
Biểu đồ các bánh răng bên trong chiếc máy tính Antikythera. (Wikimedia Commons)

Cỗ máy Antikythera là minh họa tuyệt vời nhất cho việc người Hy Lạp cổ đại đã biết dùng những thiết bị phức tạp để cắt chính xác những bánh răng – như công nghệ hiện đại ngày nay. Họ tin rằng thiên nhiên hoạt động dựa trên những quy luật có sẵn, hệt như một cỗ máy, và tư tưởng này về sau đã trở thành nền tảng cho quan điểm khoa học hiện đại.

Chiếc máy tính này, với trình độ tương đương với cơ khí của thời sau Cách mạng công nghiệp, cũng nhắc nhở chúng ta rằng chính những công nghệ cổ đại này đã trải đường và mang đến cảm hứng cho rất nhiều những “phép màu” công nghệ của thời hiện đại.

Theo ET, Ancient-Origins.net
Phong Trần tổng hợp

Xem thêm: