Theo luật sư bào chữa cho Như Quỳnh/Mẹ Nấm tại phiên tòa, Bản án hình sự sơ thẩm số 21/2017/HSST ngày 29/6/2017 của TAND tỉnh Khánh Hòa có những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, cần phải xem xét lại một cách toàn diện.

blogger me nam nguyen ngoc nhu quynh 2
“Tôi mong muốn xây dựng một xã hội và đất nước tốt đẹp. Một quốc gia chỉ tự cường khi nó luôn gắn liền với nền tảng một xã hội mà người dân có tự do và hạnh phúc. Người dân chỉ có tự do và hạnh phúc khi có tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt những điều mình mong muốn” – Blogger Như Quỳnh nói tại phiên tòa sơ thẩm. (Ảnh: FB Nguyễn Ngọc Như Quỳnh)

7h30 sáng nay (30/11), tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử phúc thẩm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh/blogger Mẹ Nấm với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ Luật hình sự.

Tham gia bào chữa cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại phiên tòa phúc thẩm là ba luật sư: Luật sư Nguyễn Hà Luân, Luật sư Hà Huy Sơn và Luật sư Nguyễn Khả Thành. Riêng Luật sư Võ An Đôn đã bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên hôm Chủ nhật (26/11) vừa qua, ngay trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị cơ quan công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố, bắt tạm giam ngày 10/10/2016.

Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến tháng 10/2016, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sử dụng Facebook cá nhân để soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết có nội dung sai sự thật, không có căn cứ, xuyên tạc, đả kích, phê phán đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc,…

Tòa sơ thẩm tuyên án Như Quỳnh 10 năm tù.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh/ Mẹ Nấm (SN 1979, trú phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bị truy tố về tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Khoản 1, Điều 88 Bộ Luật Hình sự – một điều khoản được Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho rằng “quá rộng và không xác định”“có thể kết tội bất kỳ công dân Việt Nam nào khi họ bày tỏ ý kiến, để thảo luận hoặc để chất vấn Chính phủ về các chính sách của Chính phủ”.

Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam quy định: Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

1)Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tham gia bào chữa cho Như Quỳnh tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng Bản án hình sự sơ thẩm số 21/2017/HSST ngày 29/6/2017 của TAND tỉnh Khánh Hòa có những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, cần phải xem xét lại một cách toàn diện.

Cụ thể, theo Luật sư, mặt khách thể của “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là bảo vệ sự tồn tại vững mạnh của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” (Khoản 1 Điều 2 Hiến pháp năm 2013).

Mặt khác, Khoản 1 Điều 4 của Hiến pháp quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước”. Tuy nhiên, không có quy định việc Đảng Cộng sản Việt Nam thuộc nội hàm Nhà nước CHXHVN Việt Nam, hay ngược lại. Nói cách khác, Đảng Cộng sản Việt Nam không đồng nhất với Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Do đó, Luật sư Sơn cho rằng mặt khách thể của “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHVN Việt Nam” không liên quan đến uy tín hay sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vì vậy, mọi cáo buộc của Bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa cho rằng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã có những hành vi làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng tố tụng vì nó không thuộc mặt khách thể của “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” mà Điều 88 Bộ Luật Hình sự bảo vệ.

Trình bày về mặt khách quan của tội phạm, Luật sư Sơn cho biết năm 2014, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thu thập thông tin về 31 trường hợp người dân chết sau khi làm việc với cơ quan công an. Những thông tin dù đúng hay sai thì cũng thuộc lĩnh vực tố giác tội phạm hình sự đối với người có chức vụ quyền hạn. Nó cũng giống như chủ trương chống tham nhũng của Nhà nước đang tiến hành.

Hành vi đó không ảnh hưởng đến sự tồn vong của “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”.

Nói cách khác, hành vi đó không xâm phạm đến mặt khách thể của tội phạm Điều 88 Bộ luật Hình sự quy định.

Luật sư Sơn cũng cho rằng hành vi nhận tiền theo “Hợp đồng giải thưởng người bảo vệ quyền công dân” ngày 10/4/2015 của một tổ chức dân sự Thụy Điển – Civil Rights Defenders, theo thỏa thuận 50.000 Euro, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mới nhận được 164.200.000đ. Hành vi này không liên quan đến mặt khách quan của “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Về mặt chủ quan của tội phạm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chưa có tiền án, tiền sự liên quan đến tội thuộc Chương An ninh quốc gia.

Theo nội dung bào chữa của Luật sư Sơn, Vương quốc Thụy Điển thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ ngày 11/1/1969, là nước đã viện trợ và viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam hàng tỷ đô la trong suốt hàng chục năm qua. Thụy Điển là một quốc gia có thiện chí và giúp đỡ to lớn với Việt Nam. Vì vậy, một tổ chức dân sự hợp pháp của Thụy Điển không thể là một tổ chức tiếp sức cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chống phá Nhà nước CHXHVN Việt Nam.

Luật sư Sơn cho rằng từ cấp sơ thẩm cho đến phiên tòa hôm nay, các cơ quan tiến hành tố tụng không có một bằng chứng nào và bản thân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng luôn khẳng định không có mục đích chống “Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” – tức Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Về mặt tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm, Luật sư cho biết theo lời Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/6/2017 của TAND tỉnh Khánh Hòa, chủ tọa điều khiển phiên tòa đã không cho Quỳnh được thực hiện đầy đủ quyền tự bào chữa của mình. Quỳnh cho rằng các hành vi của mình chỉ là kết quả nhận thức cá nhân về quyền công dân quy định tại Điều 25 Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Do đó, luật sư Sơn cho rằng bản án sơ thẩm đã đánh giá sai động cơ, mục đích của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Quỳnh khẳng định không có mục đích chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Theo đó, Luật sư Sơn đề nghị HĐXX xem xét đánh giá lại toàn bộ bản án sơ thẩm, xét bị cáo không có động cơ, mục đích chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Tuy nhiên, HĐXX tòa phúc thẩm vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù.

Ngay trong ngày 30/11, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã ra thông cáo báo chí Tuyên bố của Đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Caryn McClelland về bản án phúc thẩm đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

“Tôi quan ngại sâu sắc trước việc Tòa án Việt Nam giữ nguyên bản án 10 năm tù đối với nhà hoạt động ôn hòa, được trao giải thưởng Phụ nữ can đảm quốc tế, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn gọi là Mẹ Nấm) với cáo buộc mơ hồ “tuyên truyền chống nhà nước”.

Tất cả mọi người đều có các quyền tự do cơ bản như bày tỏ chính kiến, hội họp và lập hội một cách ôn hòa.

Bà Quỳnh là một trong sáu cá nhân, trong đó có bà Trần Thị Nga, đã bị kết án trong năm nay vì thực hiện các quyền này. Xu hướng gia tăng các vụ bắt bớ và xét xử với những bản án nặng dành cho những nhà hoạt động ôn hòa và sinh viên từ đầu năm 2016 rất đáng lo ngại.

Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả bà Quỳnh cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức và cho phép tất cả cá nhân ở Việt Nam bày tỏ quan điểm của họ và hội họp một cách tự do mà không lo sợ bị trả thù.

Chúng tôi cũng hối thúc Chính phủ Việt Nam đảm bảo những hành động và luật pháp của mình nhất quán với những điều khoản về nhân quyền trong hiến pháp Việt Nam và những cam kết và nghĩa vụ quốc tế của mình”.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), cơ quan công an cho hay khi khám xét nhà của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, họ tìm thấy nhiều tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội. Trong đó có các biểu ngữ như: “Cá cần nước sạch, nước cần minh bạch”; “Khởi tố Formosa”, “No Formosa” (Nói không với Formosa),… và phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở Hoàng Sa và Trường Sa như: “No to Chinese Expansionism” (Nói không với Chủ nghĩa Bành trướng Trung Quốc).

Được biết đến với các bài phản biện trên mạng xã hội về các vấn đề môi trường, các vấn đề về trưng thu đất đai, công an bạo hành, tự do ngôn luận,… blogger Như Quỳnh/mẹ Nấm nhận được nhiều giải thưởng quốc tế vì những đóng góp trong việc bảo vệ quyền con người và lên án những bất công như: giải Những Người Phụ nữ Quốc tế can đảm do Đệ Nhất Phu nhân Tổng thống Mỹ Melania Trump trao tặng tháng 3/2017; Giải thưởng của năm (2015) của Tổ chức Bảo vệ Quyền Dân sự; giải thưởng Hellman Hammett của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 2010.

blogger me nam 11
Hai con nhỏ của blogger Như Quỳnh đồng hành cùng mẹ trong các hoạt động xã hội. (Ảnh: FB Nguyễn Ngọc Như Quỳnh)

Lưu Giang

Xem thêm: