Tình trạng trên xe khách có chở theo vật liệu nổ gây nên những tai nạn thương tâm cho thấy việc quản lý vận tải trên xe khách có nhiều khe hở.

Nguyên nhân ban đầu của vụ nổ xe khách trên Quốc lộ 18 (đoạn qua Quế Võ, Bắc Ninh) khiến 16 người thương vong trong đêm 21/2 được cơ quan công an xác định là do thuốc nổ mà nhiều khả năng của hành khách mang theo lên xe. Mặc dù việc kiểm soát hành khách mang vật liệu cháy nổ lên xe được cho là rất khó, nhưng mức độ nguy hiểm của sự việc khiến tình trạng xe khách có chở theo vật liệu nổ cần được nhìn nhận lại.

Xe khách chở vật liệu nổ
Phần lớn các cuộc giao dịch, chuyển hàng hóa, bưu phẩm qua xe khách đều “bằng miệng”. Do vậy, khó phân định trách nhiệm pháp lý đối với các bên liên quan khi xảy ra sự cố. (Ảnh minh họa/baokhanhhoa.vn)

Luật pháp quy định như thế nào về việc quản lý vận tải đường bộ?

Theo pháp luật hiện hành, việc kiểm soát hàng hóa và hành lý của hành khách cũng như điều kiện an toàn giao thông của xe ô tô, lái xe ô tô là do đơn vị kinh doanh bến xe đảm nhiệm. Nhà xe đảm bảo về an toàn trong quá trình vận tải hành khách và hành lý (Điều 12, Nghị định 86/2014/NĐ-CP).

Đối với việc nhà xe nhận ký gửi hàng hóa, thì theo Khoản 5, Điều 22, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 7/11/2014, doanh nghiệp, HTX khi nhận hàng hóa gửi theo xe ô tô tuyến cố định (người gửi hàng không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về hàng hóa và họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận hàng; không được nhận chở hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống.

Nhà xe phải đảm bảo hành lý, hàng hóa phải được xếp dàn đều trong khoang chở hành lý, đảm bảo không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển; không được chở hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống (khoản 3, Điều 24).

Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe có trách nhiệm từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không đảm bảo các điều kiện về an toàn, phương tiện không có thiết bị giám sát hành trình hoặc có lắp thiết bị nhưng không hoạt động, theo khoản 8, Điều 24.

Theo khoản 4, Điều 25, hành khách đi xe có quyền khiếu nại, kiến nghị, phản ánh những hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).

Vì sao vẫn xảy ra tình trạng xe khách có chở vật liệu nổ?

Việc kiểm soát an ninh đối với hành lý, hàng hóa (kèm theo người hoặc ký gửi) không được thực hiện nghiêm ngặt tại bến, trong khi việc nhận khách, nhận hàng dọc đường hoàn toàn bị buông lỏng.

Theo quy định hiện nay, mỗi hành khách được mang tối đa 20kg hàng hóa khi đi xe khách. Tuy nhiên, không phải ai cũng dùng hết số khối lượng quy định này. Tận dụng việc này, lái và phụ xe khách nhận thêm hàng ký gửi. Điều nguy hiểm ở chỗ hàng ký gửi không được qua kiểm tra, các lái, phụ xe không biết nội dung và nguồn gốc xuất xứ của hàng. Tuy nhiên, do phí dịch vụ cao trong khi không mất nhiều diện tích trên xe nên nhà xe vẫn sẵn sàng nhận hàng hóa ký gửi.

Ngoài ra, trên báo Đời sống&Pháp luật, luật sư Đoàn Minh Đức (đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay hiện đang thiếu cơ chế xử lý các lái, phụ xe tham gia vận chuyển hàng lậu. Trong nhiều trường hợp, mặc dù biết lái xe chở thuê hoặc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm của chính họ nhưng khi bị bắt, cơ quan chức năng vẫn không thể xử lý hình sự được vì họ khai đó là hàng ký gửi và không biết bên trong có gì.

Trên thực tế, việc vận chuyển vận liệu cháy nổ trên xe tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Do trong quá trình di chuyển, hàng không được chằng buộc sẽ xảy ra va đập hoặc nhiệt độ trong cốp tăng cao do hệ thống máy móc vận hành, khiến vật liệu dễ phát nổ.

Đối với tình trạng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm của xe khách, luật sư Đức cho hay nếu pháp luật có quy định, dù biết hay không, khi lái xe khách chở hàng lậu, hàng cấm cũng sẽ bị xử lý hình sự thì chắc chắn lái xe sẽ thận trọng hơn và kiểm tra hành lý của người gửi một cách kỹ lưỡng trước khi cho lên xe.

Các mức xử lý hình sự

Theo Điều 232, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ bị phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: có tổ chức; vật phạm pháp có số lượng lớn; vật phạm pháp có số lượng lớn; vận chuyển, mua bán qua biên giới; gây hậu qủa nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ 3 đến 10 năm

Nếu phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc vật phạm pháp có số lượng rất lớn, phạt tù từ 7-15 năm; trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, phạt tù từ 15-20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu-50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Theo khoản 1 và 2, Mục III Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995, thuốc nổ các loại từ trên 1kg đến 15 kg, dây cháy chậm, dây nổ từ trên 500m đến 3.000m… phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật hình sự; thuốc nổ các loại từ trên 15kg đến 75 kg, dây cháy chậm, dây nổ từ trên 3000m đến 15.000m… được coi là vật phạm pháp có số lượng lớn và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 95 Bộ luật hình sự.

Nguyễn Quân 

Xem thêm: