Việc tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý về chủ trương, cho phép doanh nghiệp tiến hành khảo sát, lập hồ sơ dự án xây dựng sân golf, học viên golf kết hợp khách sạn, du lịch và khu đô thị mới tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, gây nên phản ứng về nguy cơ ‘sân golf phình to, đất nông nghiệp “teo” lại’.

Nhưng khi nhìn lại quy hoạch sử dụng đất của tỉnh tới năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, thì nguy cơ nông dân ngày càng bị mất đất sản xuất còn hiện rõ hơn nữa.

học viện golf
UBND tỉnh Quảng Ngãi dự kiến sẽ xây dựng một sân golf nữa trong Khu kinh tế Dung Quất (Bình Sơn)? (Ảnh minh họa)

Hơn 17.700 ha đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp 

Theo cuốn Địa chí Quảng Ngãi (NXB Từ điển Bách khoa, 2008), Quảng Ngãi có tổng diện tích tự nhiên 504.420 ha, trong đó, nhóm đất có giá trị sản xuất nông nghiệp là đất phù sa chỉ chiếm hơn 19,36% (99.209,9 ha).

73,42% diện tích đất tự nhiên (376.547,2 ha) là đất xám, có thành phần dinh dưỡng nghèo đến trung bình, thích nghi chủ yếu cho trồng cây lâm nghiệp.

Tuy nhiên, theo quy hoạch, diện tích đất trồng lúa tại tỉnh đến năm 2020 sẽ giảm 3.727 ha so với năm 2010. Tổng diện tích đất nông nghiệp tăng do diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản tăng lên. 

Đáng chú ý, theo quy hoạch, diện tích đất phi nông nghiệp tăng 20.623 ha, gấp gần 1,5 lần kể từ năm 2010 tới năm 2020. Số đất này phần lớn dành cho khu công nghiệp (tăng 6.161 ha), đất phát triển hạ tầng (tăng 8.813 ha), đất ở tại đô thị (tăng 1.919 ha).

Tính trong toàn thời kỳ, tổng diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp lên tới 17.707 ha, phần lớn lấy từ đất trồng lúa (3.496 ha), đất trồng cây lâu năm (4.424 ha) và đất rừng sản xuất (3.515 ha). Nhưng trong khi đất trồng cây lâu năm và đất rừng sản xuất sẽ được hoàn lại tương đương hoặc nhiều hơn từ quỹ đất chưa sử dụng, thì đất trồng lúa chỉ được bù lại vỏn vẹn 615 ha trong vòng 10 năm từ 2011 tới 2020. 

Chỉ riêng trong năm 2017, khoảng 365,56 ha đất lúa và 3,28 ha đất rừng phòng hộ sẽ chuyển thành đất làm công trình, dự án, theo Nghị quyết 40 ngày 14/12/2016 của HĐND Quảng Ngãi. Nhưng trong vòng 4 năm, từ 2016 tới 2020, chỉ 169 ha đất chưa sử dụng trở thành đất trồng lúa.

Điều này cho thấy đất trồng lúa tại Quảng Ngãi đang ngày càng bị thu hẹp một cách nghiêm trọng. Trong khi đó, ngoại trừ 3 xã giáp biển và khu vực nội thành, phần đông người dân tỉnh Quảng Ngãi vẫn sống chủ yếu bằng nghề nông.

Hơn 170.000 ha đất đã bị thoái hóa

Trong khi diện tích đất trồng lúa ngày càng bị thu hẹp, chất lượng đất ở tỉnh Quảng Ngãi cũng đang trong tình trạng bị thoái hóa nghiêm trọng.

Theo kết quả điều tra, đánh giá tình hình thoái hóa đất tại tỉnh Quảng Ngãi do Viện nghiên cứu Quy hoạch nông nghiệp nông thôn công bố vào cuối năm 2016, tổng diện tích đất bị thoái hóa là 172.769,76 ha (chiếm 37,34% tổng diện tích điều tra).

Có 5 loại hình thoái hoá, gồm: xói mòn đất do mưa; khô hạn nhưng chưa dẫn đến hoang mạc hoá; kết von, đá ong hóa; mặn hóa và suy giảm độ phì đất. Trong đó thoái hoá do xói mòn và thoái hoá do khô hạn là 2 loại hình thoái hoá phổ biến.

Cụ thể, diện tích đất bị xói mòn nặng của toàn tỉnh là 5.552 ha; đất bị khô hạn ở mức độ nặng của toàn tỉnh là 486,67 ha; đất bị kết von trên địa bàn tỉnh là 9.611,27 ha; đất bị mặn hóa là 3.141 ha; đất bị suy giảm độ phì 106.930 ha.

Theo báo cáo, nguyên nhân dẫn đến thoái hóa đất bao gồm các tác động như do mưa, lũ, biến đổi khí hậu, nguồn gốc hình thành đất, địa hình và các hoạt động của con người như canh tác không theo quy hoạch, mất rừng, quản lý đất đai, áp lực gia tăng dân số.v.v…

>> Chia sẻ của một người Trung Quốc về nước Mỹ: “Quốc gia của sự tin tưởng”

Một huyện có hai dự án sân golf?

Bình Sơn là một trong 6 huyện tại Quảng Ngãi có đất phù sa, là nguồn đất hiếm hoi của tỉnh Quảng Ngãi có giá trị sản xuất nông nghiệp.

Theo Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Khu kinh tế Dung Quất được xây dựng ở phía đông huyện Bình Sơn.

Tổng diện tích quy hoạch của Khu kinh tế Dung Quất tới năm 2010 là 10.300 ha; đến năm 2025, điều chỉnh lên tới 45.332 ha, bao gồm phần diện tích khu kinh tế hiện nay (10.300ha), phần diện tích mở rộng khoảng 24.280ha và khoảng 10.752 ha diện tích mặt biển.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Bình Sơn, trong Khu kinh tế Dung Quất đã có một Dự án xây dựng sân golf với tên gọi Sân golf Vạn Tường. Dự án được thống nhất đầu tư vào tháng 4/2011, tổng diện tích 114,4 ha, do Tập đoàn Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, mặc dù đã được lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500, nhưng dự án được xây dựng dở dang rồi không tiếp tục thực hiện. Hiện Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất đang tìm kiếm nhà đầu tư mới để tiếp tục dự án.

Với việc Dự án Học viên golf đã được tỉnh cho phép doanh nghiệp khảo sát, lập dự án, huyện Bình Sơn đứng trước khả năng sẽ có một sân golf thứ hai được mở trên địa bàn, thuộc Khu kinh tế Dung Quất.

Nguyễn Quân

Xem thêm: