Theo thông báo từ văn phòng Chính phủ, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc của Việt Nam.

cao tốc Bắc - Nam
(Ảnh minh họa)

Tuyến cao tốc Bắc – Nam sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, xã hội từ TP.Hà Nội tới TP.HCM, đi qua địa phận 20 tỉnh/thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 57% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 65% các cảng biển loại 1-2 và 67% các khu kinh tế của cả nước,…

Theo đó, về phương án đầu tư, Chính phủ giao Bộ GTVT tư vấn để hoàn thiện 2 phương án nhà nước hỗ trợ 63.000 tỷ đồng và 70.000 tỷ đồng. Nguồn vốn của nhà nước được dành chủ yếu cho giải phóng mặt bằng và một phần cho đầu tư, 70% tổng mức đầu tư còn lại của dự án sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa.

Trước đó, theo đề xuất của Bộ GTVT, kinh phí đầu tư cho tuyến đường khoảng 229.829 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, số vốn gần 230.000 tỷ đồng đề xuất này là rất lớn so với kế hoạch đầu tư công trung hạn đang được xây dựng và phương án huy động mà Bộ GTVT đưa ra là không phù hợp.

Theo Bộ Tài chính, khung dự kiến tài chính –  ngân sách đã được xây dựng với các yếu tố rất sát mức trần (như tỷ lệ nợ công, khả năng thu, cân đối chi, mức bội chi…) nên việc huy động thêm các nguồn lực (huy động nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ODA, vay ưu đãi) là không khả thi.

Bộ Tài chính cũng chỉ ra các vấn đề liên quan tới việc huy động nguồn vốn vay khi mà khả năng tiếp tục cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước đối với các nhà đầu tư BOT ngành giao thông không còn nhiều. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn chỉ ra những bất cập, không hợp lý trong đề án như: cơ chế đặc thù trong đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, các chính sách về giá sử dụng cao tốc, chính sách giải phóng mặt bằng,…

Theo Bộ GTVT, do không đủ vốn để hoàn thành 1.300 km của dự án trong giai đoạn 1 đến năm 2022, Bộ GTVT điều chỉnh mục tiêu xuống còn hoàn thành 573km của tuyến đường vào năm 2022 với tổng mức đầu tư khoảng 88.530 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỷ đồng) gồm các đoạn: đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) – Mai Sơn (Ninh Bình) – Vinh (Nghệ An) và Vĩnh Hảo – Phan Thiết (Bình Thuận) – Dầu Giây (Đồng Nai) với quy mô bốn làn xe cao tốc; riêng đoạn Cam Lộ – La Sơn được đầu tư theo hình thức BT.

Hoàng Minh

Xem thêm: