Trong giai đoạn 2007-2020, dự án cao tốc Bắc Nam được đầu tư, xây dựng 654 km đi qua 13 tỉnh thành, nhu cầu sử dụng đất của dự án là 3.736 ha. Tổng vốn đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó: 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

duong bo cao toc bac nam 3
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Sáng nay (22/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc đầu tư “Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020”.

Theo đó, một số đoạn thuộc cao tốc Bắc Nam được thực hiện xây dựng gồm: đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai); Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Trong giai đoạn 2017 – 2020, dự kiến đường cao tốc Bắc Nam được đầu tư 654 km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh thành. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư căn cứ quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Nhu cầu sử dụng đất của dự án là 3.736 ha, trong đó đất trồng lúa là 1.037 ha. Thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe trên tất cả các dự án thành phần, riêng dự án Cam Lộ – La Sơn theo quy mô 4 làn xe theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Dự án có tổng mức đầu tư là 118.716 tỷ đồng, trong đó: 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Trước đó, ngày 8/11, tại buổi thảo luận ở tổ về dự án cao tốc Bắc Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết trong dự án cao tốc có 3 dự án đầu tư công, còn lại 8 dự án đầu tư theo hình thức công tư, BOT. Thời gian thu phí được đề xuất là 24 năm, mức phí bình quân 2.500 đồng/km, cao hơn so với mức bình quân đang thu tại các tuyến cao tốc là 1.500 đồng/km, khả năng sẽ huy động được 70.000 tỷ đồng vốn tư nhân tham gia.

Tuy nhiên, một số ĐBQH tỏ ra quan ngại về khả năng thu hút vốn đầu tư cho dự án cao tốc Bắc Nam. ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) phân tích, có 3 nguồn vốn cơ bản gồm: ngân hàng nước ngoài; nhà đầu tư trong nước; ngân hàng thương mại trong nước. Trong đó, nguồn vốn nước ngoài không khả thi vì không đủ hấp dẫn. Nguồn vốn từ nhà đầu tư trong nước cũng khó huy động vì quy mô dự án quá lớn (thấp nhất hơn 1.000 tỷ đồng, cao nhất 15.000 tỷ đồng).

Do đó, 8 dự án nói trên đều phụ thuộc vào vốn ngân hàng thương mại nhưng các ngân hàng này rất hạn chế cho vay BOT. Vì thực tế cho thấy tại nhiều dự án BOT đã đầu tư, ngân hàng thẩm định cho vay trên cơ sở hợp đồng và thời gian thu phí nhưng nếu các yếu tố trong hợp đồng thay đổi, bên cho vay phải gánh chịu hậu quả.

Về hiệu quả đầu tư, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị ban soạn thảo giải trình về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi khi tính toán các chỉ tiêu kinh tế của từng dự án thành phần và giá trị các đoạn đầu tư giai đoạn 2017 – 2020 với giá trị hiện tại ròng là 12.893 tỷ đồng. Theo ông Ngân, con số này thể hiện hiệu quả quá mức tưởng tượng, tức là “hiệu quả trên trời“.

Ông Ngân nhấn mạnh trong 654 km cao tốc có đến 530 km được đầu tư hình thức BOT. Thời gian qua, đầu tư BOT phát sinh sai phạm nên gặp phải sự phản đối của người dân. Do đó, Bộ GTVT cũng cần có báo cáo gửi QH về những bài học kinh nghiệm rút ra trong việc thực hiện BOT thời gian qua.

Với 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức công tư, BOT, dự kiến sẽ phải vay 50.973 tỷ đồng. Ông Ngân đặt vấn đề: “Tôi muốn đặt câu hỏi là ai đứng ra vay số tiền này, ai cho vay? Nếu người vay dùng dự án làm tài sản bảo đảm nợ vay thì có được không bởi tài sản này có vốn nhà nước tham gia là hơn 40.000 tỷ đồng?

Quý Bình

Xem thêm: