Việt Nam xếp thứ 86 trong tổng số 118 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng Chỉ số Cạnh tranh tài năng toàn cầu 2017 (Global Talent Competitiveness Index – GTCI).

chi so canh tranh tai nang toan cau 2017 9
(Ảnh minh họa: Shutterstock )

Chỉ số Cạnh tranh tài năng toàn cầu (GTCI) là báo cáo được công bố bởi INSEAD (một trong những trường đào tạo về lĩnh vực kinh doanh hàng đầu thế giới), Viện nghiên cứu nguồn nhân lực lãnh đạo Singapore (the Human Capital Leadership Institute of Singapore – HCLI) và Adecco Group (Nhà cung cấp các giải pháp về nguồn nhân lực có trụ sở tại Thụy Sĩ).

Bắt đầu được công bố từ năm 2013, Chỉ số Cạnh tranh tài năng toàn cầu (GTCI) cho thấy sự phát triển, sức thu hút và khả năng duy trì nhân tài của các quốc gia. GTCI cung cấp một kho dữ liệu và các phân tích hữu ích cho các nhà quyết sách trong việc đưa ra các chiến lược về phát triển nhân sự và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Theo GTCI 2017, Việt Nam xếp thứ 86 trong tổng số 118 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, trong đó, được xếp hạng khá tốt ở các kỹ năng liên quan đến Kiến thức toàn cầu, như sử dụng các kỹ năng tốt để hỗ trợ các sáng kiến mới và đóng góp vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang gặp trở ngại ở mảng thu hút nguồn lao động có tay nghề và các kỹ năng công nghệ.

So với các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á và châu Đại Dương, Việt Nam xếp thứ 11, chỉ trên điểm của Indonesia và Campuchia.

chi so canh tranh tai nang toan cau 2017
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore xếp thứ 2 trong toàn bảng xếp hạng 118 quốc gia, Malaysia xếp thứ 28, Philippines xếp thứ 52, Thái Lan xếp thứ 73, Việt Nam xếp thứ 86.

Việc thiếu những nghiên cứu chỉ ra nhu cầu phát triển trong chuyển dịch kinh tế cũng như các yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng là một trong những nguyên nhân làm giảm năng lực cạnh tranh của nguồn lao động Việt.

Theo Tổng Giám đốc Adecco Việt Nam, Andree Mangels, Việt Nam đã sẵn sàng hòa nhập trong tất cả các khía cạnh liên quan đến nguồn nhân lực cho phát triển công nghệ.

“Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt trẻ và nhiệt huyết đã giới thiệu nhiều công nghệ và nền tảng mới phá vỡ các quy tắc truyền thống”, Tổng Giám đốc Adecco Việt Nam cho hay.

“Tuy nhiên, để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tham vọng là trở thành một quốc gia khởi nghiệp trong vòng 3 năm tới, sẽ cần có sự liên kết mạnh mẽ hơn nữa giữa môi trường giáo dục – đào tạo và các doanh nghiệp – nơi không chỉ cung cấp chương trình thực hành dựa trên nhu cầu của nền kinh tế mà còn cho phép những người tham gia học tập phát triển các kỹ năng sáng tạo và kỹ năng mềm.”

Việt Nam xếp thứ 82 trong tổng số 103 quốc gia được xếp hạng trong năm đầu tiên của GTCI (2013). Năm 2014, Việt Nam đứng thứ 75/93 các quốc gia được xếp hạng và đứng thứ 82/109 quốc gia trong báo cáo năm 2016.

Năm 2017, Thụy Sĩ và Singapore giữ vị trí số 1 và số 2 trong báo cáo GTCI, theo sau là Anh, Mỹ và Thụy Điển.

Các quốc gia có chỉ số cạnh tranh tài năng cao đều có chung các đặc trưng tiêu biểu là: có hệ thống giáo dục đáp ứng với nhu cầu của nền kinh tế, các chính sách về việc làm được xây dựng linh hoạt và mối liên kết chặt chẽ giữa các nhân tố kinh tế và chính phủ.

Hải Anh

Xem thêm: