Malaysia, Việt Nam, Pakistan, Mongolia, Indonesia, Ấn Độ, Campuchia là những nước có tỷ lệ hối lộ, tham nhũng cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương theo báo cáo mới đây của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

scissors 893152 1920
(Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Tổ chức Minh bạch Quốc tế vừa công bố kết quả khảo sát về tình trạng tham nhũng tại 16 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 7/2015 đến tháng 1/2017 với sự tham gia của 21.861 người dân.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, bản báo cáo được công bố vào thời điểm quan trọng khi rất nhiều quốc gia trong khu vực đang chuẩn bị chương trình nghị sự của mình theo Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc – chương trình đưa ra các ưu tiên phát triển quốc gia cho năm 2030 bao gồm rất nhiều lĩnh vực, trong đó có cả mục tiêu giảm tham nhũng và hối lộ.

Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia có tỷ lệ hối lộ cao nhất khu vực

Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho hay cứ 4 người tham gia khảo sát thì có hơn 1 người cho biết họ phải đưa hối lộ để tiếp cận với các dịch vụ công. Dựa trên tỷ lệ hối lộ của từng quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như quy mô dân số, tỷ lệ này tương đương với con số có khoảng 900 triệu người dân châu Á (28%) phải chi hối lộ để bôi trơn 6 dịch vụ công thiết yếu là: trường học, bệnh viện, văn bản nhà nước, các dịch vụ công cộng, cảnh sát và tòa án.

Trong đó, hai quốc gia có tỷ lệ hối lộ cao nhất là Việt Nam và Ấn Độ. Tại Việt Nam, có gần 2/3 số người tham gia khảo sát cho biết họ phải hối lộ khi tiếp cận với các dịch vụ công (65%), tỷ lệ hối lộ của Ấn Độ là 69%.

Trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Úc là các quốc gia có tỷ lệ hối lộ thấp nhất, trong đó, Nhật Bản chỉ có 0,2%.

to chuc minh bach quoc te tham nhung o viet nam 2
(Nguồn: Tổ chức Minh bạch Quốc tế)

Báo cáo của tổ chức cũng cho thấy tỷ lệ tham nhũng trong 9 nhóm công vụ cụ thể được phân loại bao gồm: Cảnh sát, Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng địa phương, Thủ tướng/Chủ tịch nước, Dịch vụ thuế, Quản lý Kinh tế, Tòa án/Xét xử và Phụ trách về tôn giáo. Trong đó, lực lượng cảnh sát được đánh giá là nhóm nhận hối lộ thường xuyên nhất. Có tới 39% người tham gia khảo sát cho biết họ nghĩ rằng phần lớn hoặc tất cả cảnh sát đều nhận hối lộ.

Tại các nhóm dịch vụ công khác, Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia có tỷ lệ hối lộ cao nhất trong lĩnh vực y tế (đều ở mức 59%), đồng thời cũng là hai quốc gia có tỷ lệ hối lộ cao nhất trong lĩnh vực giáo dục (Việt Nam: 57% và Ấn Độ: 58%). Đáng chú ý, trong lĩnh vực làm việc với cảnh sát, kết quả khảo sát ghi nhận có tới hơn 61% người dân Việt Nam hối lộ lực lượng chức trách này.

Việt Nam là một trong những quốc gia tồn tại nhiều vấn đề tham nhũng nghiêm trọng nhất

Theo công bố của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Malaysia và Việt Nam dường như là hai quốc gia tồn tại các vấn đề về tham nhũng nghiêm trọng nhất của khu vực.

Liên quan đến thông tin khảo sát nhận định về tình trạng tham nhũng tại quốc gia tăng hay giảm trong một năm qua, 56% người Việt chọn phương án tăng; tỷ lệ này ở Indonesia là 65%, ở Malaysia là 59% và ở Trung Quốc có 73% số người tham gia cho rằng tình trạng tham nhũng gia tăng tại quốc gia này trong vòng 3 năm qua.

to chuc minh bach quoc te tham nhung tai viet nam
(Nguồn: Tổ chức Minh bạch Quốc tế)

Đánh giá về sự tham gia của Chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng, 60% người Việt Nam cho rằng Chính phủ đã thực hiện vai trò của mình một cách tồi tệ. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Hàn Quốc là 76%, ở Malaysia là 62%, ở Nhật Bản là 60%. Thái Lan là quốc gia có tỷ lệ người dân bình chọn Chính phủ đã thực hiện tốt vai trò của mình trong cuộc chiến chống tham nhũng cao nhất với 72%, tiếp đến là Indonexia 64%, Ấn Độ 53%.

Theo kết quả khảo sát, nhóm người nghèo nhất tại các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi nạn hối lộ nhưng có sự khác biệt giữa các quốc gia. Tính trung bình, có 38% số người trong nhóm người nghèo nhất cho biết họ phải đưa hối lộ khi tiếp cận các dịch vụ công. Tuy nhiên, trong khi tại Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan, những người có thu nhập thấp nhất thường phải đưa hối lộ nhiều hơn thì tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc và Đài Loan, hành vi này lại phổ biến ở những người giàu có nhất. Theo khảo sát, ở Việt Nam, 73% số người giàu có nhất và 55% số người nghèo nhất phải hối lộ.

Dưới đây là bảng xếp loại tổng quan về tình trạng tham nhũng của 16 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ tháng 7/2015 đến tháng 1/2017 dựa trên kết quả khảo sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế với 5 câu hỏi quan trọng.

  1. Mức độ tham nhũng thay đổi như thế nào?
  2. Chính phủ hành động như thế nào trong cuộc chiến chống tham nhũng?
  3. Mức độ tham nhũng của cảnh sát?
  4. Có bao nhiêu người dân phải hối lộ?
  5. Cảm nhận của người dân về quyền chống tham nhũng?

to chuc minh bach quoc te tham nhung o viet nam

Lưu Giang

Xem thêm: