Thiệt hại về người và tài sản sau bão số 12 là quá lớn, tuy nhiên, công tác viện trợ người dân trong vùng lũ còn mất nhiều thời gian vì phải qua quá nhiều thủ tục rườm rà.

bao so 12 khanh hoa
Gần 14.000 con tôm chuẩn bị thu hoạch của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (thị trấn Vạn Giã, Khánh Hòa) trôi ra biển, ước thiệt hại gần 30 tỷ đồng. Đón Tết, gia đình tay trắng, nợ nần chồng chất. (Ảnh: baokhanhhoa.com.vn)

Theo thống kê từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến hết ngày 10/11, các địa phương đã có 104 người chết (tăng 4 người), trong đó: Quảng Trị: 1 người; Huế: 11 người; Quảng Nam: 19 người; Quảng Ngãi: 6 người; Bình Định: 17 người; Phú Yên: 1 người; Khánh Hòa: 44 người; Lâm Đồng: 3 người; Kon Tum: 1 người; Đắk Lắk: 1 người.

19 người mất tích (tăng 1 người), trong đó: Huế: 3 người; Quảng Nam: 3 người; Quảng Ngãi: 1 người; Bình Định: 9 người; Phú Yên: 2 người; Khánh Hòa: 1 người.

Bão số 12 cũng làm 3.483 nhà bị sập; 137.836 nhà tốc mái, hư hỏng; 9163 ha lúa bị ngập; 20.783 ha hoa màu bị thiệt hại, 69.990 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản hư hại,…

Tại Hội nghị công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12 cho các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đã nêu thực tế về công tác viện trợ người dân sau bão lũ.

Theo ông Thắng, công tác viện trợ thường rất chậm, mất quá nhiều thủ tục. Có những khoản viện trợ phải mất từ 4 đến 5 tháng, thậm chí một năm. Ông Thắng cho biết đơn hàng viện trợ của UNICEF từ năm 2016, đến nay ông mới nhận được văn bản yêu cầu đồng ý để chuyển đến tay người dân.

Tôi vừa nhận được văn bản đồng ý tiếp nhận viện trợ của UNICEF từ năm 2016. Rất nhiều thủ tục rườm rà, 4-5 tháng mà chưa lấy được tiền hỗ trợ, như vậy hành động không còn mang tính thời sự, ý nghĩa nữa”, ông Thắng thông tin.

Cũng tại hội nghị, bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cho biết rất nhiều tổ chức, cơ quan ngỏ ý muốn viện trợ, giúp đỡ người dân ở vùng ảnh hưởng bão lũ. Song các thủ tục rườm rà, khiến việc tiếp nhận gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Ánh lấy dẫn chứng, sau cơn bão số 12, hai tổ chức phi chính phủ đã đăng ký cung cấp 900 suất quà cùng thiết bị lọc nước cho người dân vùng lũ, thiếu nước sạch. Tuy nhiên, không hiểu sao số viện trợ này chưa được tiếp nhận.

Trước thực trạng trên, ông Thắng đề nghị Bộ KH&ĐT cần rà soát lại các thủ tục để nhanh chóng đưa số hàng viện trợ kịp thời đến người dân vùng lũ.

Các nước viện trợ Việt Nam khắc phục bão Damrey

Trước đó, ngày 8/11, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga thông báo chiếc máy bay vận tải IL-76 vận chuyển hàng hóa hỗ trợ một số khu vực của Việt Nam khắc phục ảnh hưởng của bão Damrey, cất cánh từ sân bay Ramenskoye (ngoại ô thủ đô Moscow) để bay tới sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa).

Số hàng mà chiếc IL-76 mang theo có trọng lượng tới 40 tấn gồm lều bạt, đường, sữa, thịt và cá hộp với tổng trị giá khoảng 5 triệu USD. Cụ thể: 14 tấn đường; hơn 5 tấn sữa; 6,7 tấn thịt heo (đóng hộp); 2,79 tấn cá hộp; 10.304 tấn thịt bò (đóng hộp) và hơn 1 tấn lều bạt.

Đến 0h15 ngày 9/11 (chỉ trong vòng 2 ngày), chiếc máy bay vận tải hạng nặng IL-76 của Nga đã hạ cánh xuống Cam Ranh để hỗ trợ người dân.

Trưa ngày 10/11, ngay sau khi chuyên cơ của Tổng thống Trump vừa đáp xuống sân bay Đà Nẵng, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã phát đi thông báo: “Thay mặt Chính phủ Hoa Kỳ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã công bố khoản viện trợ trị giá hơn 1 triệu USD cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai dài hạn để giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bão Damrey và các đợt thiên tai trong tương lai.

Ngoài Mỹ và Nga, Hàn Quốc cũng viện trợ Việt Nam 1 triệu USD; New Zealand viện trợ 500.000 USD và Nhật Bản viện trợ 105 thiết bị lọc nước mới 100%.

Trần Tâm

Xem thêm: