Ngân hàng Thế giới (WB) đã duyệt khoản tín dụng trị giá 315 triệu USD cho Việt Nam để đầu tư cải thiện giao thông và vệ sinh môi trường một số thành phố ven biển miền Trung. 

Cụ thể, 236 triệu USD sẽ dành cho dự án Bền vững Môi trường các Thành phố ven biển Việt Nam, với 190 triệu USD từ nguồn Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) và 46 triệu USD từ nguồn Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD).

Dự án được thực hiện tại các thành phố ven biển gồm Đồng Hới, Quy Nhơn, Nha Trang, và Phan Rang – Tháp Chàm với tổng số đối tượng hưởng lợi khoảng 1,1 triệu người.

Theo kế hoạch, các khoản đầu tư trong dự án này sẽ tập trung vào các lĩnh vực gồm phòng chống ngập lụt, cải tạo hệ thống thoát và thu gom nước thải, xây dựng nhà máy xử lý nước thải, xây dựng và cải tạo nhà vệ sinh công cộng và trong trường học, lập quỹ quay vòng xây dựng đường nước thải từ các hộ gia đình đến hệ thống chung, và quản lý chất thải rắn.

Dự án cũng sẽ cải tạo các đoạn đường và cầu ưu tiên dọc các con sông và kênh thoát nước, nhằm gia tăng kết nối giao thông và giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Dự án sẽ giải quyết tổng thể các vấn đề liên quan về thể chế và tăng cường tính bền vững.

lut-do-xa-lu-quang-binh-2016
Trâu bò chết trong đợt lũ lụt lớn tháng 11/2016 tại Quảng Bình do mưa lớn cùng với việc các hồ, đập xả lũ. (Ảnh: FB Dương Phong/2016)

Khoản tín dụng còn lại trị giá 78,74 triệu USD từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) được cấp thêm cho dự án phát triển giao thông vùng đồng bằng Bắc Bộ, để xây dựng một con kênh mới nối sông Đáy với sông Ninh Cơ.

Con kênh mới dự kiến giúp cải thiện vận chuyển hàng qua cảng Ninh Phúc (Ninh Bình) qua việc giảm chi phí logistics, đồng thời mục tiêu làm giảm phát thải khí nhà kính trong việc vận chuyển hàng hóa. Tàu 3.000 tấn có thể đi lại qua tuyến giao thông này.

Năm 2016, Việt Nam nhận khoản vay trên 500 triệu USD từ WB để cải tạo đường giao thông, cầu dân sinh và kiểm soát lũ, cải thiện điều kiện vệ sinh. Trong đó, 385 triệu USD được giải ngân để hỗ trợ cải tạo đường giao thông nông thôn bao gồm cải tạo 676 km đường giao thông, duy tu 48.578 km đường nông thôn, xây mới và xây dựng lại 2,174 cầu dân sinh. Khoản vốn vay còn lại để xây dựng cơ sở hạ tầng chống lũ, thu gom và xử lý nước thải, và nâng cao năng lực dự báo và phòng chống lũ.

Năm 2015, Việt Nam vay nguồn tín dụng trị giá 507 triệu USD từ WB để đầu tư nông nghiệp, giảm nghèo và phát triển hệ thống xe buýt nhanh. Trong đó, theo công bố, 238 triệu USD cấp cho dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, 45 triệu USD để bổ sung vốn cho dự án Tăng cường Năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm, 100 triệu USD để bổ sung vốn cho dự án Giảm nghèo khu vực miền núi phía bắc giai đoạn 2, và 124 triệu USD dành cho dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 4/2016, WB đã cấp khoảng 22 tỷ USD gồm viện trợ không hoàn lại và cho vay ưu đãi đối với Việt Nam.

Trong đó chủ yếu là vốn vay từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc WB. Các khoản tín dụng này tập trung vào các ngành giao thông, đô thị, nông nghiệp, năng lượng, giáo dục, môi trường, y tế và cải cách chính sách.

Từ sau ngày 1/7/2017, Việt Nam không còn được được nhận các khoản vay ưu đãi từ IDA. Chính sách của WB đối với Việt Nam sẽ thay đổi.

Vĩnh Long

Xem thêm: