Dẫn tình trạng các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mất an toàn về tài chính, dự án đầu tư thua lỗ, không có khả năng thu hồi…, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho hay việc buông lỏng trong quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của các cơ quan chức năng đã dẫn đến việc vi phạm, thất thoát lớn. 

Dẫn báo cáo thẩm tra, ngoài việc nhắc tới 12 dự án đầu tư của các doanh nghiệp thuộc ngành công thương có số vốn trên 63 ngàn tỷ đồng nhưng gây thua lỗ lớn, Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý về tình trạng doanh nghiệp mất an toàn về tài chính.

Cơ quan thẩm tra nêu ví dụ, tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam có hai doanh nghiệp mất an toàn về tài chính là Vicem Tam Điệp và Vicem Hải Phòng; riêng Vicem Tam Điệp do thua lỗ nhiều năm nên lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2015 là 1.156 tỷ đồng, lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu. Hay Tổng công ty Lắp máy Việt Nam có tỷ lệ nợ phải trả trên 3 lần vốn chủ sở hữu, đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ chưa có hiệu quả…

Vicem Tam Điệp (thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình). (Ảnh: FB Vicem Tam Điệp/2014)
Công ty Vicem Tam Điệp (thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đang có số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu. (Ảnh: FB Vicem Tam Điệp/2014)

Uỷ ban Tài chính – Ngân sách nhận xét việc thực hiện chức năng quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của các cơ quan chức năng có nơi còn buông lỏng, dẫn đến việc vi phạm các quy định của nhà nước, gây thất thoát tiền và tài sản nhà nước.

Ngoài ra là tình trạng tăng vốn, kéo dài thời gian thu phí của các dự án BOT. 11 dự án trong tổng số 27 dự án BOT mà vừa qua Kiểm toán Nhà nước phát hiện và xử lý có tổng mức đầu tư tăng bất hợp lý 465 tỷ đồng. Một số dự án lớn tăng 100% so với tổng mức đầu tư ban đầu. Nhiều dự án BOT sau khi kiểm toán phải rút ngắn từ 5-7 năm thu phí. Một số dự án BOT được minh chứng như trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, trạm thu phí Tam Nông tỉnh Phú Thọ, trạm thu phí Thanh Nê tỉnh Thái Bình…

12 dự án: ‘Đội’ vốn gấp 1,4 lần, tổng nợ phải trả hơn 55 ngàn tỷ

12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn do Bộ Công Thương chính thức công bố trước đó có tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 43,6 ngàn tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên hơn 63,6 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ ở hữu chiếm 22,56%, vốn vay chiếm 74,6%, còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.

Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tính tới thời điểm 31/12/2016 là hơn 16,1 ngàn tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là gần 4 ngàn tỷ đồng.

Tổng tài sản của 12 dự án là gần 57,7 ngàn tỷ đồng; tổng nợ phải trả là hơn 55 ngàn tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân của 3 dự án dở dang, đang bị dừng thị công là hơn 8,6 ngàn tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là hơn 13 ngàn tỷ đồng.

Danh sách 12 dự án kém hiệu quả, có nguy cơ đóng cửa, phá sản và hướng giải quyết của Bộ Côn g thương:

  • 4 Dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân bón: Xử lý các khó khăn, khi hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp (dự kiến sau năm 2018)
  • Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi: Chuyển nhượng/thoái vốn
  • Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ: Chuyển nhượng/thoái vốn
  • Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước: PVOil chuyển nhượng hoặc thoái vốn.
  • Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2: Thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại công ty Tisco.
  • Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai: Tháo gỡ khó khăn, sửa đổi lại hợp đồng liên doanh và điều lệ công ty, cải tiến trong quản trị sản xuất  để nâng cao hiệu quả sản xuất.
  • Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất: Ưu tiên chọn phương án phá sản
  • Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ: Khởi động lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn theo phương thức hợp tác với đối tác nước ngoài để sản xuất kinh doanh xơ PSF trong 2 năm, sau đó thoái vốn; hoặc phương án khác là PVTex chuyển nhượng công ty.
  • Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam: Bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho

Nguyễn Quân

Xem thêm: