Đinh La Thăng bị phạt 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh án chung thân; Trịnh Xuân Thanh tiếp tục bị đề nghị án chung thân trong vụ Tham ô tài sản tại PVP Land; Từ ngày 25/1 sẽ xử phạt ô tô dừng quá 5 phút tại trạm BOT; Bộ GTVT không đồng ý việc dừng thu phí ô tô vào sân bay; Khởi tố bắt tạm giam nguyên chủ tịch HĐTV Vinashin; Yêu cầu điều tra vụ bé gái tử vong do tiêm nhầm thuốc,… là tin tức thời sự nóng tuần qua.

tham nhung va ipo
Ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh.

Đinh La Thăng bị phạt 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh án chung thân

Ngày 22/1, sau 14 ngày xét xử và nghị án, TAND Hà Nội tuyên án với ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’’ và ‘‘Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh – Chủ tịch HĐQT PVC và Vũ Đức Thuận – nguyên Tổng Giám đốc PVC bị cáo buộc với cả hai tội danh trên.

HĐXX tuyên phạt:

  1. Bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù;
  2. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, tù chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân;
  3. Các bị cáo khác là Phùng Đình Thực (nguyên Tổng giám đốc PVN); Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN); Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN) cùng lĩnh 9 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
  4. Cựu kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh bị phạt 7 năm tù;
  5. Cựu tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận bị phạt 22 năm tù;
  6. Bị cáo Vũ Hồng Chương – nguyên Trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2 bị phạt 3 năm tù treo;
  7. Nguyễn Mạnh Tiến – Phó Tổng giám đốc PVN bị phạt 6 năm;
  8. Trần Văn Nguyên – Kế toán trưởng ban Quản lý dự án (QLDA) Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN bị phạt 30 tháng treo;
  9. Nguyễn Ngọc Quý – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC bị phạt 6 năm tù;
  10. Nguyễn Anh Minh – nguyên Phó tổng giám đốc PVC bị phạt 16 năm;
  11. Phạm Tiến Đạt – nguyên Kế toán trưởng PVC bị phạt 4 năm 6 tháng;
  12. Lương Văn Hòa – nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch bị phạt 10 năm;
  13. Bùi Mạnh Hiển – Giám đốc PVC bị phạt 10 năm;
  14. Nguyễn Thành Quỳnh – Giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng công ty CP Miền Trung – Công ty CP Đà Nẵng bị phạt 8 năm;
  15. Lê Đình Mậu – nguyên Phó trưởng Ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN bị phạt 4 năm 6 tháng;
  16. Lê Thị Anh Hoa – Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa bị phạt 3 năm tù treo;
  17. Bị cáo Nguyễn Đức Hưng – nguyên trưởng phòng Tài chính, kế toán Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch được tuyển trả tự do ngay tại tòa nếu không bị giam trong vụ án khác với mức phạt 3 năm treo, thử thách 5 năm;
  18. Bị cáo Lê Xuân Khánh – Trưởng Phòng Kinh tế – kế hoạch bị phạt 3 năm tù treo, được trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa nếu không bị giam theo tội khác;
  19. Bị cáo Nguyễn Lý Hải – nguyên trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch bị phạt 3 năm tù treo, trả tự do ngay tại tòa;
  20. Bị cáo Trương Quốc Dũng –  nguyên Phó Tổng giám đốc PVN bị phạt 17 tháng tù, tính từ tháng 9/2016.

Trịnh Xuân Thanh tiếp tục bị đề nghị án chung thân trong vụ Tham ô tài sản tại PVP Land

đinh mạnh thắng
Ông Đinh Mạnh Thắng, em trai ông Đinh La Thăng bị xét xử vì tội Tham ô tài sản tại PVP Land. (Ảnh: pvsd.vn)

Ngày 24/1, TAND TP. Hà Nội mở phiên toàn xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng (em trai Đinh La Thăng) cùng các đồng phạm trong vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại công ty Cổ phần bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land). Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 6/2, làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật.

Chiều ngày 25/1, tại phiên tòa xét xử, đại diện VKSND đã đề nghị mức án với từng bị cáo. Cụ thể:

  1. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị mức án tù chung thân.
  2. Đinh Mạnh Thắng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà  từ 11-12 năm tù.
  3. Đào Duy Phong – nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land từ 17-18 năm tù.
  4. Nguyễn Ngọc Sinh – nguyên tổng giám đốc PVP Land từ 14-15 năm tù.
  5. Lê Hòa Bình – Chủ tịch HĐQT công ty Minh Ngân từ 9-10 năm tù, kết hợp hình phạt với bản án lừa đảo trước đó là chung thân. Tổng hình phạt chung thân.
  6. Nguyễn Thị Kim Thoa – nguyên kế toán trưởng công ty Minh Ngân và công ty xây dựng 1-5 từ 8-9 năm tù, kết hợp hình phạt với bản án lừa đảo trước đó là chung thân. Tổng hình phạt chung thân.
  7. Huỳnh Nguyễn Quốc Duy – kinh doanh tự do từ 11-12 năm tù.
  8. Thái Kiều Hương – phó tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Vietsan từ 11-12 năm tù.

Từ ngày 25/1, sẽ xử phạt ô tô dừng quá 5 phút tại trạm BOT

BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp
Gần đây, Trạm BOT Cần Thơ -Phụng Hiệp gặp phải sự phản đối của nhiều cánh tài xế. (Ảnh cắt từ clip)

Tổng Cục đường bộ Viêt Nam vừa có văn bản gửi các nhà đầu tư BOT, Cục cao tốc, các Cục Quản lý đường bộ và Sở GTVT các tỉnh, thành phố yêu cầu chủ đầu tư lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe tại trạm thu giá và phải hoàn thành trước ngày 25/1.

Theo văn bản, các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT khu vực có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện. Tổng cục Đường bộ yêu cầu các nhà đầu tư bổ sung các camera ở khu vực trạm, thu thập số liệu, trích xuất các file dữ liệu hình ảnh, thống kê các tình huống gây rối gửi về Tổng cục để gửi Bộ Công an và UBND các tỉnh để xử lý.

Trước mắt, các nhà đầu tư gửi các thông tin đã thu thập trước đó xảy ra ở trạm gửi về Tổng cục Đường bộ trước ngày 25/1/2018.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT các tỉnh thanh tra phối hợp với các lực lượng chức năng như CSGT, cảnh sát trật tự cùng với nhà đầu tư hướng dẫn, điều tiết giao thông và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Trước tình trạng đang gây tranh cãi về vị trí đặt các trạm BOT, phí chồng phí, thì dường như quyết định “cấm dừng xe 5 phút” chưa góp phần giải quyết được bức xúc của người dân mà còn làm căng thẳng thêm tình hình. Nhiều tài xế cho biết đây dường như là một biện pháp cưỡng chế kiểu mới và sẽ không giải quyết được mấu chốt vấn đề về các ‘điểm nóng’ BOT.

Một điều đáng lưu ý là biển báo cấm thời gian dừng xe không nằm trong danh mục các biển báo cấm theo luật giao thông đường bộ. Hiện trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, chỉ có các biển báo cấm: Biển cấm dừng và đỗ xe, biển cấm theo giờ hoặc biển cấm các loại phương tiện. Do đó, nếu áp dụng biển báo cấm này sẽ không có biện pháp chế tài nào để xử lý những trường hợp “vi phạm.”

Bộ GTVT không đồng ý việc dừng thu phí ô tô vào sân bay

sân bay nội bài
Bộ GTVT không đồng ý việc dừng thu phí ô tô vào sân bay. (Ảnh: Gia Bảo)

Cục trưởng Hàng không Việt Nam ông Đinh Việt Thắng ký văn bản gửi Bộ GTVT về việc tạm dừng thu tiền sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không trên cả nước, trong đó có sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo văn bản, giá dịch vụ chuyên ngành hàng không hiện đang được quản lý theo quy định của luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tuy nhiên, hiện tại giá dịch vụ sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga đối với ô tô, đưa, đón trả khách tại các cảng hàng không không được quy định trong danh mục giá.

Đây là dịch vụ phi hàng không, không thuộc danh mục giá dịch vụ do Bộ GTVT định giá, khung giá” – ông Thắng khẳng định.

Trước đề nghị trên, ông Lại Xuân Thanh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) – đơn vị quản lý sân bay cho biết nếu Bộ GTVT đồng ý với đề xuất của Cục Hàng không thì ACV sẽ dừng thu phí.

Tuy nhiên, Bộ GTVT không đồng ý với đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam. Bộ cho rằng việc ACV thu giá dịch vụ là cần thiết để bù đắp nguồn vốn đã bỏ ra đầu tư cũng như duy tu, bảo trì, bảo dưỡng, quản lý khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ khai thác cảng hàng không.

Khởi tố, bắt tạm giam nguyên chủ tịch HĐTV Vinashin

Nguyễn Ngọc Sự
Bị cáo Nguyễn Ngọc Sự.

Ngày 26/1, thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với ông Nguyễn Ngọc Sự – nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin (SBIC) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang điều tra giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm. Quá trình điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được xác định ông Nguyễn Ngọc Sự có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc sử dụng nguồn tiền của Tập đoàn Vinashin gửi vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), để một số cá nhân thuộc Vinashin nhận, chiếm đoạt 105,583 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất.

Yêu cầu điều tra vụ bé gái tử vong do tiêm nhầm thuốc

bệnh viện đa khoa đông anh
Bệnh viện đa khoa Đông Anh. (Ảnh: bvdkdonganh.com)

Chiều ngày 24/1, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu giám đốc Công an và giám đốc Sở Y tế thành phố điều tra, làm rõ và xử lý vụ việc bé Nguyễn Hoàng Trang (8 tháng tuổi, ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) tử vong do bị tiêm nhầm thuốc uống vào đường tĩnh mạch xảy ra tại BVĐK Đông Anh (Hà Nội).

Trước đó, bé Trang nhập viện vào ngày 15/1. Các bác sĩ yêu cầu điều dưỡng Trang cho bệnh nhi uống thuốc Kaliclorid nhưng vị điều dưỡng này lại tiêm vào đường tĩnh mạch, dẫn đến bệnh nhi nguy kịch phải chuyển lên bệnh viện Xanh Pôn lúc 23h50 cùng ngày.

Sau 6 ngày điều trị, ngày 20/1, bé được chuyển từ Bệnh viện Xanh Pôn sang Bệnh viện Nhi Trung ương. Sáng ngày 23/1, bác sĩ tại bệnh viện Nhi Trung ương hội chẩn cho thấy bệnh nhi có dấu hiệu chết não trên nền bệnh tim bẩm sinh, nhiễm khuẩn huyết. Đến tối ngày 23/1, bệnh nhi tử vong.

Các sự kiện: Sau gần 3 năm khởi công, chủ đầu tư đồng ý dừng dự án BOT QL53; Sẽ đặt ga tàu điện ngầm C9 dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm; Hoàn thiện hồ sơ khởi tố người phun thuốc phá hoại vườn quất; Sự cố sập cầu Long Kiển sẽ thông xe trước ngày 1/2,… tiếp tục là sự kiện đáng quan tâm trong tuần qua.

Minh Hợp

Xem thêm: