Đại án Oceanbank: Tử hình Nguyễn Xuân Sơn, tù chung thân Hà Văn Thắm; Khởi tố Tổng giám đốc PVC Nguyễn Anh Minh; Bắt Kế toán trưởng PVN Lê Đình Mậu; Cảnh cáo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ; Gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ lớn nhất TP.HCM; Cảnh sát biển Philippines bắn chết ngư dân Việt Nam,… là những tin tức thời sự trong nước nổi bật tuần qua.

Khởi tố, xử lý và kết án hàng loạt nhân sự, lãnh đạo cấp cao

Đại án Oceanbank: Tử hình Nguyễn Xuân Sơn, tù chung thân Hà Văn Thắm

dai an oceanbank: Ha Van Tham va Nguyen Xuan Son
Hà Văn Thắm (trái) và Nguyễn Xuân Sơn

Sáng ngày 29/9, TAND TP. Hà Nội tuyên án Hà Văn Thắm, Nguyên Xuân Sơn cùng các đồng phạm trong đại án Oceanbank.

Theo HĐXX, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế của Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và các đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng.

Quá trình hoạt động tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi ngoài hợp đồng cho khách hàng; tham ô, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank và các cổ đông; ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Theo đó, HĐXX tuyên phạt Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) tù chung thân tội Tham ô tài sản; Nguyễn Xuân Sơn (nguyên TGĐ Oceankbank) tử hình tội Tham ô tài sản.

Khởi tố Tổng giám đốc PVC Nguyễn Anh Minh

khoi to tong giam doc pvn nguyen anh minh
Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Anh Minh – Ông Bùi Mạnh Hiển – Ông Nguyễn Đức Hưng. (Ảnh: Bộ Công an)

Ngày 29/9, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét đối với Nguyễn Anh Minh (SN 1977, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC).

Cơ quan điều tra cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với Bùi Mạnh Hiển (SN 1976, Chánh văn phòng PVC) và Nguyễn Đức Hưng (SN 1983, nguyên Trưởng phòng Tài chính, Kế toán Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC).

Ba bị can bị khởi tố về tội tham ô tài sản liên quan đến vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Các quyết định trên được VKSND Tối cao phê chuẩn cùng ngày.

Bắt Kế toán trưởng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Đình Mậu

ke toan truong tap doan dau khi viet nam le dinh mau
Ông Lê Đình Mậu – Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán Tập đoàn dầu khí Việt Nam. (Ảnh: pvfi.com.vn)

Liên quan đến vụ án trên, trước đó, ngày 25/9, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Đình Mậu (SN 1972, trú tại quận Ba Đình, TP. Hà Nội) – Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Cơ quan An ninh điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với 3 người khác là: ông Vũ Hồng Chương – nguyên Trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 (thuộc PVN); Trần Văn Nguyên – Kế toán trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc Quý – nguyên Phó chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Theo cơ quan chức năng, ông Mậu và các bị can có dấu hiệu sai phạm trong việc tạm ứng tiền trước khi ký hợp đồng EPC của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Cảnh cáo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ

huynh duc tho
Ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng bị kỷ luật cảnh cáo. (Ảnh: Vũ Quân/drt.danang.vn)

Liên quan đến các sai phạm nghiêm trọng của hai lãnh đạo TP. Đà Nẵng, ngày 29/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Huỳnh Đức Thơ – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luật tại kỳ họp 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng thời đề nghị Bộ Chính trị, BCH Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 và ông Nguyễn Xuân Anh – Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng theo thẩm quyền.

Xác minh bằng cấp của Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng vừa chuyển đơn của công dân tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kiểm tra, xác minh bằng cấp của ông Nguyễn Mạnh Hiển – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết ông Hiển bị một số công dân ở huyện Ninh Giang (Hải Dương) tố giác đã sử dụng bằng cấp 3 của một người khác, cùng họ tên, khác ngày sinh.

Trước đó, tháng 10/2015, ông Hiển cũng từng bị ông Phan Ngọc Núi – nguyên Phó Ban Nội chính tỉnh Hải Dương tố cáo về việc sử dụng bằng thạc sỹ không hợp pháp. Đó là bằng thạc sỹ theo chương trình đào tạo liên kết giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và nước ngoài nhưng không được Bộ GD&ĐT công nhận.

TP.HCM: Gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần

Đêm 28 rạng sáng ngày 29/9, đoàn liên ngành gồm Thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện có gần 4.000 con heo của 20 chủ bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi). Trong tổng trên 5.000 con heo nhập về đây giết mổ, chỉ có gần 1.000 con bình thường.

Kết quả kiểm định cho thấy có 100 mẫu nước tiểu của heo tại cơ sở Xuyên Á tồn dư thuốc an thần. Tổng cộng có 3.750 con heo của 13 thương lái nhiễm thuốc. Kiểm tra các loại chất cấm khác như sabutamot (tạo nạc) cho ra kết quả âm tính.

Theo Phó Chi cục Thú y, để xảy ra việc này là do nhân viên thú y còn yếu kém trong khi người vi phạm có nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt.

Ngày 1/10, Ban ATTP TP.HCM đã đề xuất UBND TP tiêu hủy toàn bộ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần trên, chi phí tiêu hủy heo sẽ do các thương lái sai phạm gánh chịu toàn bộ. Cùng với đó, 13 thương lái sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau này sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Đối với lò mổ Xuyên Á (cơ sở giết mổ có quy mô lớn nhất TP.HCM, trung bình giết mổ 5.000 con/đêm, chiếm 50% thịt heo phân phối cho toàn thành phố), UBND TP sẽ đề xuất Bộ NN&PTNT tạm ngưng hoạt động lò giết mổ để chấn chỉnh, hoàn tiện tiêu chuẩn lò giết mổ tập trung hiện đại.

Chính phủ yêu cầu Hà Nội thận trọng khi quy hoạch xây cao ốc 70 tầng khu vực Ga Hà Nội

Liên quan đến quy hoạch khu vực Ga Hà Nội và vùng phụ cận, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội cần đảm bảo phát triển bền vững vì đây là một trong những khu vực đầu mối giao thông quan trọng của thành phố, kết nối Hà Nội với nhiều tỉnh thành, nhiều tuyến đường huyết mạch trong nội thành như Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng.

Tại buổi họp báo thường kỳ Quý 3 của Bộ GTVT diễn ra vào ngày 28/9, Bộ GTVT vẫn tiếp tục khẳng định việc lập quy hoạch ga Hà Nội trong tổng thể quy hoạch chung là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên, cũng lo ngại áp lực mật độ dân số đè nặng lên hạ tầng giao thông.

Hiện UBND TP. Hà Nội đã gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận. Ngoài việc bảo tồn hiện trạng Nhà ga Hà Nội ở vị trí hiện tại, thành phố dự kiến quy hoạch khu vực này thành trung tâm tài chính, kiến trúc, nghỉ dưỡng đô thị với các công trình cao từ 40 – 70 tầng (khoảng 100 – 200 m).

Thanh tra việc cấp phép cho VN Pharma nhập thuốc giả

Ngày 26/9, Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đến Bộ Y tế công bố quyết định thanh tra vụ việc VN Pharma nhập thuốc trị ung thư giả.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong các năm 2011-2014, VN Pharma đã nhập 8 loại thuốc kháng sinh và thuốc trị ung thư, do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc (Canada) sản xuất. Thực tế hồ sơ là giả mạo, công ty Helix là công ty “ma”.

Sau khi nhập khẩu trót lọt vào Việt Nam, các thuốc này đã trúng thầu vào nhiều bệnh viện, đưa doanh thu của VN Pharma tăng nhanh chóng.

Tháng 9/2014, Cục Quản lý Dược rút 7 loại thuốc do VN Pharma cung cấp khỏi danh sách lưu hành tại Việt Nam. 7 loại thuốc này đã lọt vào nhiều bệnh viện, trong đó 2 bệnh viện tuyến Trung ương mua số thuốc này với số lượng hơn 1 tỷ đồng mỗi bệnh viện, chưa kể các Sở Y tế và các bệnh viện địa phương khác.

Đối với thuốc H-Capita 500mg Caplet, sau khi đã cấp phép, nhập thuốc về để trong kho, Cục Quản lý dược cho biết nghi ngờ vì giá thuốc kê khai và giá trúng thầu thấp hơn các thuốc cùng loại được sản xuất từ các nước, nên chuyển hồ sơ sự việc sang Bộ Công an.

Cảnh sát biển Philippines bắn ngư dân Việt Nam

Ngày 23/9, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nhận được thông tin cảnh sát biển Philippines bắn tàu cá số hiệu PY 96173 TS của tỉnh Phú Yên làm chết hai ngư dân và bắt một số người khác. Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng của Philippines xác minh thông tin và điều tra vụ việc.

Phía Philippines cho biết tàu cá PY 96173 TS đã đánh bắt cá trái phép tại vùng biển Bolinao, tỉnh Pangasinan từ 20h30 ngày 22/9 đến 1h ngày 23/9 và có hành vi cố ý ngăn cản, tấn công tàu PS 19 của cảnh sát biển Philippines trong lúc bị truy đuổi. Lực lượng cảnh sát biển Philippines đã bắn súng vào tàu cá PY 96173 TS khi tàu này có ý đâm vào phần đầu của họ.

>> Philippines hứa “điều tra công bằng” vụ ngư dân Việt bị bắn chết

Các diễn biến xung quanh vụ việc Cục phó Môi trường mất gần 400 triệu đồng tiền mặt khi đang đi công tác tại Long An; Cá, sò chết ở khu vực biển gần Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận); 7 cán bộ kiểm lâm bị xử lý kỷ luật sau khi để xảy ra vụ tàn phá 61 ha rừng ở tiểu khu 1 xã An Hưng (huyện An Lão, tỉnh Bình Định); Mất cân đối thu chi hơn 800 tỷ đồng, quỹ BHYT chỉ đủ để cân đối đến hết 2019; Việt Nam nằm trong top 5 nước nạo phá thai nhiều nhất thế giới,… là những tin tức nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trong nước.

Minh Hợp

Xem thêm: