Trong vụ án xảy ra tại PVP Land,  bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp tục bị VKSND đề nghị án tù chung thân. Bị cáo Đinh Mạnh Thắng từ 11-12 năm tù.

trịnh xuân thanh
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. (Ảnh chụp màn hình)

Chiều ngày 25/1, tại phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT PVC và đồng phạm tội Tham ô tài sản xảy ra tại PVP Land, đại diện VKSND đã đề nghị mức án với từng bị cáo. Cụ thể:

  1. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị mức án tù chung thân.
  2. Đinh Mạnh Thắng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà  từ 11-12 năm tù.
  3. Đào Duy Phong – nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land từ 17-18 năm tù.
  4. Nguyễn Ngọc Sinh – nguyên tổng giám đốc PVP Land từ 14-15 năm tù.
  5. Lê Hòa Bình – Chủ tịch HĐQT công ty Minh Ngân từ 9-10 năm tù, kết hợp hình phạt với bản án lừa đảo trước đó là chung thân. Tổng hình phạt chung thân.
  6. Nguyễn Thị Kim Thoa – nguyên kế toán trưởng công ty Minh Ngân và công ty xây dựng 1-5 từ 8-9 năm tù, kết hợp hình phạt với bản án lừa đảo trước đó là chung thân. Tổng hình phạt chung thân.
  7. Huỳnh Nguyễn Quốc Duy – kinh doanh tự do từ 11-12 năm tù.
  8. Thái Kiều Hương – phó tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Vietsan từ 11-12 năm tù.

Theo đại diện VKS, bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận sai phạm nhưng VKS có đủ căn cứ kết luận bị cáo Thanh là người quyết định và chỉ đạo việc chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land cho Công ty Cổ phần Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương với giá tương đương 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực của dự án với mục đích chiếm đoạt tiền chênh lệch. Bị cáo đã được hưởng 14 tỷ đồng từ số tiền này.

Được tòa cho tự bào chữa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ dành 2 phút để nói và khẳng định bị cáo không có hành vi phạm tội. “Bị cáo có bào chữa cũng bằng không thôi. Bị cáo không thực hiện hành vi nhưng cuối cùng lại trở thành người đứng đầu và chịu chung thân. Bị cáo không hiểu chuyện gì. Bị cáo chỉ có ý kiến như thế thôi” – bi cáo Thanh nói.

Đối với bị cáo Đinh Mạnh Thắng, tại phiên toà cũng như quá trình điều tra, bị cáo thừa nhận có hành vi được Thái Kiều Hương nhờ tác động đến Trịnh Xuân Thanh – là người quyết định cho phép chuyển nhượng cổ phần. Do đó, bị cáo đã được nhận được từ Hương 5 tỷ đồng.

Thắng khai không biết tiền được hưởng từ chênh lệch chuyển nhượng cổ phần, nhưng căn cứ lời khai của bị cáo Thái Kiều Hương, Đào Duy Phong, VKS có đủ căn cứ kết luận Đinh Mạnh Thắng biết tiền nhận được là chênh lệch giá từ việc cho phép PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá thực tế.

Đại diện VKS cũng cho rằng, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến số tiền đặc biệt lớn của nhà nước, làm dự án Nam Đàn Plaza bị đình trệ, từ năm 2010 đến nay không triển khai được, gây lãng phí, tạo dư luận xấu trong xã hội.

Cùng chiếm đoạt 49 tỷ đồng

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, cuối năm 2009 đầu năm 2010, PVN có chủ trương chuyển tất cả các công ty đầu tư kinh doanh bất động sản về cho PVC quản lý, theo một đầu mối. Cùng thời điểm này, bị cáo Lê Hòa Bình muốn mua dự án Nam Đàn Plaza do PVP Land chiếm 50,5% vốn.

Thông qua môi giới của bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, ngày 27/3/2010, bị cáo Bình cùng với 5 cổ đông của Công ty cổ phần dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương ký hợp đồng đặt cọc mua 24 triệu cổ phần với giá 20.756,34 đồng/cổ phần (52 triệu đồng/m2). Tổng giá trị hợp đồng gần 500 tỷ đồng.

Để mua tiếp số cổ phần còn lại, bị cáo Thái Kiều Hương nhờ bị cáo Đinh Mạnh Thắng (em trai Đinh La Thăng) kết nối gặp bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị cho PVP Land thoái vốn tại dự án Nam Đàn Plaza.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh đồng ý, chỉ đạo bị cáo Đào Duy Phong đứng ra thu xếp việc mua bán. Sau đó, Phong ký tờ trình gửi PVC phê duyệt phương án bán hơn 12 triệu cổ phần với giá 13.578 đồng/cổ phần (34 triệu đồng/m2) đất tại dự án Nam Đàn Plaza và được bị cáo Trịnh Xuân Thanh đồng ý.

Vài ngày sau, bị cáo Bình chuyển nhượng cổ phần với cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá 52 triệu đồng/m2 (chênh lệch 18 triệu đồng/m2), tổng số tiền chênh lệch hơn 87 tỷ đồng.

Sau khi bị cáo Bình thanh toán 50% giá trị hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, bị cáo Hương đã yêu cầu đưa 14 tỷ đồng để “lại quà” cho bị cáo Thanh. Ngoài ra, bị cáo Bình còn chuyển cho bị cáo Phong 10 tỷ đồng, cho ông Đặng Sỹ Hùng 20 tỷ đồng, còn bị cáo Thắng nhận 5 tỷ đồng.

Tổng số các bị cáo đã nhận 49 tỷ đồng là khoản tiền chênh lệch mua cổ phần của PVP Land. Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh là người có vai trò quyết định việc cho chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần nói trên, chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc chuyển nhượng với giá thấp hơn thực tế để hưởng tiền chênh lệch.

Hành vi chiếm đoạt của các bị cáo Thanh, Thắng, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng, Thái Kiều Hương, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đủ căn cứ cấu thành tội “Tham ô tài sản” theo điều 278 BLHS.

Trần Tâm

Xem thêm: