UBND TP.HCM vừa có báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn thành phố năm 2016. 

Trong năm 2016, qua kiểm tra nội bộ, các đơn vị trực thuộc Công an TP HCM xử lý kỷ luật 12 trường hợp cảnh sát tham nhũng. (Ảnh minh họa)
Trong năm 2016, qua kiểm tra nội bộ, các đơn vị trực thuộc Công an TP HCM xử lý kỷ luật 12 trường hợp cảnh sát tham nhũng. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo, có 37 quận huyện, sở ngành báo cáo chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.573 trường hợp cán bộ, công chức chức danh tư pháp – hộ tịch, văn hóa – xã hội, kế toán, thủ quỹ, xây dựng, địa chính – nhà đất, thủ kho thuộc các ngành hải quan, tư pháp, thanh tra xây dựng, quản lý thị trường.

Trong năm, có 1.159 đơn vị được kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; phát hiện và xử lý 4 trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp (3 trường hợp tại Sở Y tế, 1 trường hợp tại Công an thành phố).

Đối với lực lượng Công an Thành phố, qua tự kiểm tra, phát hiện xử lý kỷ luật 12 trường hợp cảnh sát sai phạm, trong đó 7 trường hợp kỷ luật khiển trách, 4 trường hợp cảnh cáo, 1 trường hợp giáng cấp bậc hàm.

Qua phản ánh của báo chí về việc cán bộ cảnh sát PCCC Q.Bình Tân vòi vĩnh làm dịch vụ, đã xử lý kỷ luật giáng cấp bậc hàm từ trung úy xuống thiếu úy và 1 trường hợp khiển trách, bố trí công tác khác.

Tại lĩnh vực Thanh tra hành chính, trong năm 2016, TP thực hiện 221 cuộc thanh tra ở 331 đơn vị. Kết quả phát hiện 141/331 đơn vị sai phạm về kinh tế với tổng số tiền hơn 82 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 79 tập thể và 112 cá nhân.

Tại lĩnh vực Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, TP tổ chức 23.132 cuộc, từ đó kiến nghị thu hồi và ra quyết định xử phạt hành chính hơn 190 tỷ đồng.

Về minh bạch tài sản, thu nhập, trong năm 2015 có 112 cơ quan thuộc diện kê khai; 36.616 người phải kê khai tài sản, thu nhập, tổng số người đã thực hiện kê khai là 36.608 người (đạt tỷ lệ 99,98%). Đáng chú ý, năm 2016, báo cáo cho biết TP chưa có trường hợp tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng, cũng như chưa xử lý trường hợp nào về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình phụ trách khi để xảy ra hành vi tham nhũng.

Kết quả kê khai tài sản năm 2016 sẽ được công bố vào quý I/2017.

Theo đánh giá của UBND TP, kết quả cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng trên một số lĩnh vực nhà đất, xây dựng, quy hoạch dự án đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp; Chưa công khai, minh bạch về quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục các dự án đầu tư cho công dân, doanh nghiệp; Còn tồn tại hành vi tham nhũng “vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính tại một số lĩnh vực.

Theo người dân, nhóm ngành, đối tượng nào tham nhũng nhiều nhất?

Tại cuộc họp báo quý IV/2015 do Thanh tra Chính phủ tổ chức vào đầu năm 2016, Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho biết, trong 25 ngày đặt điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận tin báo về tham nhũng, tiêu cực, có 329 cuộc điện thoại, tin nhắn gửi đến. Theo đó, trên cả nước:

Nhóm ngành bị phản ánh sai phạm nhiều nhất lần lượt là quản lý đất đai; khoáng sản; thuế, tài chính, ngân hàng; và công tác cán bộ.

Nhóm đối tượng bị phản ánh nhiều nhất là: cảnh sát giao thông, kiểm lâm, thanh tra giao thông, quản lý thị trường, thuế vụ (có dấu hiệu mãi lộ và nhận hối lộ).

Các nội dung tiếp theo được phản ánh là chuyện chạy việc, xuất nhập khẩu và cuối cùng là thực hiện chính sách xã hội xóa đói giảm nghèo, xây dựng các dự án…

Nguyễn Quân

Xem thêm: