Dự báo tối 16, rạng sáng ngày 17/7, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ).

tin bao khan cap
Dự báo đường đi và vị trí cơn bão số 2 – bão Talas từ ngày 16-18/7. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết chiều 15/7, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão. Đây là cơn bão số 2 trong năm ở biển Đông, có tên quốc tế là Talas.

Vào lúc 13h ngày 15/7, vị trí tâm bão nằm trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh nhất cấp 8 (75 km/h). Tới 4h sáng ngày 16/7, vị trí tâm bão đã ở ngay trên vùng biển phía Nam Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão tăng lên cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 10-11.

Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, bão sẽ tăng cường độ, tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc. Đến rạng sáng này 17/7, vị trí tâm  bão dự báo nằm trên vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 10-11.

Sau khi đi sâu vào đất liền các tỉnh Thanh Hoá – Hà Tĩnh, cơn bão Talas sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới; dự báo đến 4h sáng ngày 18/7, trở thành vùng áp thấp trên phía Tây Bắc nước Lào.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ cảnh báo do ảnh hưởng của bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ), gió đang mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9. Biển động rất mạnh, tạo thành vùng nguy hiểm cho tàu thuyền.

Từ tối và đêm nay (16/7), vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là vùng sẽ có gió bão mạnh nhất, cấp 7-9, giật cấp 10-11. Vùng ven biển các tỉnh lân cận Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, sức gió giảm xuống ở cấp 6-8, giật cấp 9-10. Tiếp đến tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình và sâu trong đất liền khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh có gió giật cấp 6-8.

Cảnh báo trong 2-3 ngày tới, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to. Lượng mưa dự báo cao nhất tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An là 250-350mm; tiếp đến là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Hà Tĩnh 150-250mm; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên 100-200mm. Dù không nằm trên đường đi của bão, các khu vực khác của Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình-Thừa Thiên Huế vẫn có mưa lớn, lượng mưa dự báo từ 50-150mm.

Lũ quét, sạt lở đất

Theo cảnh báo, từ ngày 17-19/7, một đợt lũ sẽ xuất hiện trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình với biên độ lũ lên từ 2-3m, trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh biên độ lũ lên tới 4-6m.

Các mực nước đỉnh lũ báo động 1 trên sông Thao tại Phú Thọ; trên sông Lô tại Tuyên Quang, sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Hoàng Long tại Bến Đế ; trên sông Hiếu (Nghệ An), sông Bưởi và thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) (báo động 1 và trên báo động 1).

Cảnh báo ngập úng có nguy cơ xuất hiện tại các khu đô thị, các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh.

Tại các vùng trũng tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ , đặc biệt một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Tại vùng biển phía Nam, trong ngày và đêm nay (16/7), khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-8.

Từ chiều 15/7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có công điện yêu cầu các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ninh trước 17h ngày 16/7 phải hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn, cấm biển kể cả đối với tàu vận tải và du lịch. Người dân địa phương phải sơ tán dân ở lồng bè, chòi canh thủy sản lên bờ; chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn hầm lò, bến cảng, khu du lịch.

Talas là cơn bão thứ hai xuất hiện ở biển Đông trong năm nay. Cơn bão đầu tiên hình thành vào ngày 11/6, sau đó đi vào Trung Quốc.

Theo dự báo của các cơ quan khí tượng Australia, châu Âu, hiện tượng El Nino khuynh hướng xuất hiện vào nửa cuối năm 2017, gây nên một mùa hè nóng hơn trung bình nhiều năm, khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông vẫn sẽ xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng 12-13 cơn/năm).

Nguyễn Quân

Xem thêm: