Thủy điện Hòa Bình đóng 1 trong 3 cửa xả lũ do mưa trên lưu vực hồ đã giảm và trong những ngày tới chưa có dấu hiệu xuất hiện lũ từ thượng nguồn sông Đà.

thuy dien hoa binh xa lu fb DC 2
Người dân đứng xem gần đập tràn xả lũ của thủy điện Hòa Bình. (Ảnh: FB D.C)

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho hay hồi 08h ngày 26/7, mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 104,15 m; lưu lượng đến hồ là 4.060 m3/s; tổng lưu lượng xả 5.580 m3/s (gồm lưu lượng qua 02 cửa xả đáy và lưu lượng chạy máy phát điện).

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện mưa trên lưu vực hồ đã giảm và trong những ngày tới chưa có dấu hiệu xuất hiện lũ từ thượng nguồn sông Đà.

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng và để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào lúc 12h ngày 26/7, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước tại thượng lưu và hạ lưu đập.

Trước đó, do tình hình mưa lũ kéo dài liên tục từ giữa tháng 6/2017 cùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu cầu thủy điện Hòa Bình mở 3 cửa xả đáy. Một cửa mở lúc 18h ngày 18/7; Cửa thứ hai mở lúc 6h sáng ngày 19/7; Cửa thứ ba mở lúc 6h sáng 22/7, đồng thời phát tối đa 8 tổ máy với tổng lưu lượng khoảng 2.400 m3/s.

Ghi nhận chỉ trong vài ngày sau khi hồ Hòa Bình xả lũ, ước tính có hơn 400 tấn cá nuôi lồng bè trên sông Đà của người dân các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ bị chết, trong đó tỉnh Phú Thọ chịu thiệt hại nặng nhất với hơn 350 tấn cá chết. Các loại cá chết chủ yếu là cá da trơn như: cá lăng, cá ngạnh, các chiên, cá tầm. Tại hai địa phương bị thiệt hại nặng nhất của tỉnh Hòa Bình là huyện Kỳ Sơn và TP. Hòa Bình, người dân phải bán tháo cá cho các chủ vườn cam với giá 10.000 đồng/kg.

Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân cá chết là do sự thay đổi đột ngột môi trường sống, sặc bùn, môi trường nước trong hồ chứa không phù hợp, dòng chảy tạo các xoáy ngầm, lượng phù sa bị “khuấy”, lượng oxy trong nước thay đổi hoặc giảm sút,… khiến cá bị ngạt khí.

Hải Anh

Xem thêm: