Kết hợp mưa lớn và xả lũ lớn bất ngờ từ thủy điện Hố Hô, hàng nghìn hộ dân ở huyện Hương Khê và một số huyện khác ở tỉnh Hà Tĩnh bị ngập sâu, chưa thể thống kê thiệt hại tài sản. Đại diện của nhà máy thủy điện Hố Hô thừa nhận việc xả lũ là do thủy điện Hố Hô không có chức năng điều tiết, “nên cứ nước đầy là xả“. 

Sáng ngày 16/10, thủy điện Hố Hô đang xả nước với lưu lượng là 824m3/s. (Nguồn: infonet.vn)
Sáng ngày 16/10, thủy điện Hố Hô đang xả nước với lưu lượng là 824m3/s. (Nguồn: infonet.vn)

Lũ lớn do thiên tai hay nhân tai?

Trong hơn 2 ngày từ 13 tới 15/10, 93 xã của 9 huyện, thành phố tỉnh Hà Tĩnh bị ngập lụt. Trên toàn tỉnh, huyện Hương Khê bị nặng nhất với 16 xã ngập sâu trong nước, khoảng 5.000 nhà dân trên địa bàn bị ngập, phải sơ tán khẩn cấp.

Tính đến chiều 16/10, Hương Khê vẫn còn 10 xã bị ngập lụt với 2.369 hộ dân, trong đó 482 hộ ngập trên 1m, 4 nhà bán kiên cố bị nước lũ cuốn trôi, 1 nhà kiên cố phải di dời khẩn cấp, theo Báo Hà Tĩnh đưa tin.

Tại “rốn lũ” xã Hà Linh (Hương Khê, Hà Tĩnh), nước vẫn ngập sâu nhà dân từ 2 đến 3m (tính đến trưa 16/10). Khu vực này đang bị chia cắt hoàn toàn.

Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết hiện mới thống kê được số nhà ngập. Thiệt hại tài sản chưa kiểm đếm được vì nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh Tuyên Hóa, Quảng Bình và xã Hương Trạch) vẫn tiếp tục xả lũ, do vậy nước không rút mà đang có dấu hiệu dâng lên.

Ông Huấn cho rằng nhiều xã bị ngập sâu thì ngoài lý do mưa lớn, còn do thủy điện Hố Hô xả lớn, xả bất ngờ, thông báo xả lũ chậm trễ.

Trong phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du thuỷ điện Hố Hô ban hành 2014 quy định, nhà máy phải có trách nhiệm thông báo xả lũ/sự cố đập, khu vực dự kiến ngập lụt và thời điểm dự kiến kết thúc xả lũ/khôi phục đập. Trước khi xả, nhà máy sẽ thông báo bằng văn bản trước 2 ngày cho UBND tỉnh Hà Tĩnh và Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND huyện Hương Khê, UBND các xã có liên quan. Nếu trong quá trình xả lũ có tình huống bất thường, khẩn cấp thì đại diện lãnh đạo nhà máy sẽ thông báo trực tiếp cho trưởng phó ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp bằng điện thoại để xin phương án xử lý – ông Huấn cho hay trên báo Vietnamnet.

Tuy nhiên, theo ông Huấn, đối với vụ xả nước chiều tối 14/10, UBND không nhận được thông báo bằng văn bản nào. Đại diện nhà máy chỉ thông báo qua điện thoại tới phó chủ tịch huyện lúc 16h, tức ngay trước khi xả lũ, với mức xả thông báo là khoảng 1.700 m3/s, nên cả huyện hoàn toàn bị động.

>> Mưa lớn, xả lũ hết cỡ, nhiều người chết và tàu trôi ra biển

“Nhấc bổng 3 cửa xả lũ cho xả tràn tự do”

Trả lời về sự việc, đại diện nhà máy thủy điện Hố Hô, ông Nguyễn Văn Thông, Phó giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô, cho biết trên báo Người Lao Động:

Vào khoảng 18h30 ngày 14/10, mưa lớn khiến bờ phải của nhà máy bị sạt trượt, an toàn của nhà máy cũng như các công nhân đang làm việc bị đe dọa nên chúng tôi quyết định dừng vận hành nhà máy, mở cửa xả tràn với mức 1.800m3/s.

Lúc quyết định xả tràn vào 18h30 ngày 14/10, chúng tôi có gọi điện cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, huyện và các xã vùng hạ du“.

Ông Thông cho hay việc đơn vị mở hết các cửa xả tràn là bất khả kháng, do trời mưa quá lớn.

Giám đốc Công ty CP thủy điện Hồ Bốn kiêm trưởng ban phòng chống thiên tai của nhà máy thủy điện Hố Hô – ông Vũ Mạnh Hùng cũng đưa ra lý do mưa lớn khiến nước đổ về lòng hồ quá nhanh, nên phải mở xả tràn tự do.

Đến 18h30’ tối 14/10 là đỉnh lũ, mưa rất lớn. Phía trên vai thuỷ điện bị sạt lở, chúng tôi sợ sạt đổ xuống nhà máy nên họp khẩn và đã dừng vận hành phát điện. Bên cạnh đó, chúng tôi đã nhấc bổng 3 cửa xả lũ cho xả tràn tự do nước đi bằng nước đổ về với mức 1.800m3/s”, ông Hùng nói, theo Soha.

Ông Hùng cũng thừa nhận thủy điện Hố Hô không có chức năng cắt và điều tiết lũ, với lý do thủy điện Hố Hô là thủy điện nhỏ (14 MW). Do đó, “cứ nước đầy là xả“, ông Hùng thừa nhận trên News Zing.

Lê Trai (T/H)

Xem thêm: