Theo thống kê, hiện mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 150.000 người mắc bệnh ung thư và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư.

thuoc ung thu gia
Trung bình mỗi năm BV Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận 3.000-3.500 bệnh nhân ung thư gan, có xu hướng trẻ hóa, nhiều trường hợp chỉ ở 15-30 tuổi. (Ảnh: Thiện Nhân)

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, ung thư là 1 trong 10 nguyên nhân gây nên gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam với khoảng 200.000 bệnh nhân đang điều trị. Trong số ca mắc mới, nam chiếm khoảng 56,8%, nữ 43,2%.

Các bệnh nhân ung thư phải chịu tổn hại rất lớn về tâm lý và chi phí điều trị. Theo kết quả đánh giá nhanh của Bộ Y tế về chăm sóc giảm nhẹ tại 5 tỉnh thành, bệnh nhân ung thư phải chịu đựng nặng nề về tâm lý và tình cảm: 48% cảm thấy hoàn toàn hoặc một phần không hài lòng về cuộc sống của họ, 87% bệnh nhân ung thư buồn hoặc rất buồn.

Kết quả nghiên cứu với gần 2.000 bệnh nhân tại 3 trung tâm điều trị ung thư lớn nhất cả nước là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho thấy sau 1 năm phát hiện bệnh, có 22,36% bệnh nhân bị khó khăn về kinh tế. Trong đó có gần 34% bệnh nhân không thể mua thuốc; 24% bệnh nhân không thể thanh toán tiền điện, nước, gas; 21% không thể thanh toán chi phí đi lại; 15,2% không thể mua nổi đồ ăn. Để giải quyết vấn đề trên, gần 67% bệnh nhân phải vay tiền, 22% phải bán tài sản…

Những bệnh nhân ung thư cho biết chi phí trung bình cho lần khám đầu tiên là 6,8 triệu đồng nhưng cũng có bệnh nhân phải chi đến 100 triệu đồng. Điều đáng nói là tổng số tiền chi cho 6 bệnh ung thư gồm: ung thư vú, cổ tử cung, gan, đại trực tràng, dạ dày, khoang miệng mỗi năm đã lên tới gần 26.000 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, thị trường thuốc dùng để chữa trị cho các bệnh nhân ung thư lại diễn biến phức tạp. Từ năm 2011, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đã cảnh báo châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng là thị trường béo bở của các loại thuốc giả, đặc biệt là thuốc chữa ung thư do giá thuốc rất đắt nên mang lại siêu lợi nhuận.

Về giám sát chất lượng thuốc nói chung, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết tỷ lệ thuốc giả đã giảm từ 7% năm 1990 xuống dưới 0,1% vào năm 2015, tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở mức 2%. Tuy nhiên, con số trên được tính trên tổng số mẫu thuốc trên thị trường, không phải theo số lượng thuốc. Với 38.627 mẫu thuốc có mặt trên thị trường vào năm 2015, tỷ lệ thuốc giả 0,1% tương đương 38 mẫu, tỷ lệ thuốc kém chất lượng 2% tương đương khoảng 772 mẫu. Nếu tính theo số lượng thuốc được bán ra trên từng mẫu thì con số gây nguy hại tới sức khỏe người bệnh không phải là nhỏ.

Về tác hại của thuốc giả, các chuyên gia y tế nhận định sử dụng thuốc kém chất lượng, thuốc giả khiến cả bác sỹ và người bệnh đều gặp thất bại trong điều trị. Thuốc nào cũng có thể gây ra những phản ứng có hại (thường gọi là ADR). Tuy nhiên, nếu tác dụng có hại của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 – 1/100.000 thì nguy cơ của thuốc giả lên đến 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc và dị ứng thuốc.

Trên Báo Sức khỏe & Đời sống (5/6/2017), PGS. Nguyễn Đăng Hòa – Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội cho hay thuốc giả có thể gây chết người, do thuốc không chứa dược chất hoặc không đủ hàm lượng, khiến bệnh diễn biến xấu dẫn đến tử vong, hoặc nếu thuốc giả chứa sai hoạt chất, là hoạt chất độc hại có thể khiến bệnh nhân tử vong do nhiễm độc.

Theo Báo Tuổi Trẻ (24/9/2015), bác sỹ Nguyễn Xuân Hòe – Nguyên trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết “sản xuất, nhập khẩu thuốc kém chất lượng không đơn thuần là vi phạm hành chính mà đó thật sự là tội ác“.

Ông cho hay về nguyên tắc, thuốc trước khi được nhập khẩu vào Việt Nam đều được kiểm nghiệm để kiểm tra chất lượng, được giám sát bởi cơ quan quản lý chất lượng là Cục Quản lý dược rồi mới được cấp số đăng ký lưu hành để cung ứng cho các cơ sở y tế. Vậy vì sao vẫn còn thuốc kém chất lượng nhập vào Việt Nam? Vì sao thuốc kém chất lượng lại có thể nhiều như thế? Trách nhiệm của nhà quản lý, hàng rào thương mại thế nào?… 

Theo bác sỹ Hòe, tất cả những vấn đề này cần phải làm rõ và Bộ Y tế phải có mục tiêu cụ thể trong việc cung ứng thuốc có chất lượng cho người dân Việt Nam.

Minh Long (T/h)

Xem thêm: