Cục Xuất bản, In và Phát hành vừa có công văn gửi Nhà Xuất bản Hội Nhà văn yêu cầu thu hồi cuốn sách “Một cơn gió bụi” (Kiến văn lục) của tác giả Trần Trọng Kim (do NXB Hội Nhà Văn và Phương Nam Books phát hành hồi đầu năm 2017).

Ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết nguyên nhân đình bản và thu hồi cuốn sách là do “Một cơn gió bụi” được đăng ký là sách thơ văn nhưng thực chất là hồi ký. Do đó, Cục Xuất bản cho rằng NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Books đăng ký và xuất bản không đúng đề tài.

Cụ thể, văn bản của Cục Xuất bản, In và Phát hành ghi: “NXB Hội Nhà văn đăng ký xuất bản đề tài “Một cơn gió bụi” với thể loại là thơ văn nhưng nội dung cuốn sách khi xuất bản không đúng thể loại và tóm tắt nội dung như đăng ký”.

mot con gio bui 2
Bìa của cuốn sách.

Cuốn sách “Một cơn gió bụi” gồm 12 chương, mỗi chương kể về một giai đoạn trong cuộc đời tác giả Trần Trọng Kim, gắn kết chặt chẽ với bối cảnh lịch sử Việt Nam từ năm 1942 đến 1948. Trong sách, ông nói lên suy nghĩ của mình về các sự kiện lớn xảy ra trong nước thời bấy giờ.

Cuốn hồi ký được NXB Vĩnh Sơn, Sài Gòn phát hành lần đầu năm 1969. Cuốn sách bao gồm 12 chương:

  • Chương 1: Cuộc đời yên lặng và vô vị
  • Chương 2: Đi Chiêu Nam Đảo (Singapour)
  • Chương 3: Đi Băng Cốc và về Sài Gòn
  • Chương 4: Ra Huế lập Chính phủ
  • Chương 5: Về Hà Nội
  • Chương 6: Chính phủ Việt Nam và tình thế trong nước
  • Chương 7: Tôn chỉ và sự hành động của Cộng Sản Đảng
  • Chương 8: Sự giao thiệp của Chính phủ Việt Nam với nước Pháp
  • Chương 9: Đi sang Tàu
  • Chương 10: Cuộc Pháp Việt chiến tranh
  • Chương 11: Về Sài Gòn
  • Chương 12: Lên Nam Vang

Chính phủ Trần Trọng Kim tồn tại hơn 4 tháng và chấm dứt vào ngày 23/8/1945. Đánh giá về chính phủ của Trần Trọng Kim, lời giới thiệu về cuốn sách “Một cơn gió bụi” của Nhà sách Phương Nam có ghi:

“Và đặc biệt, cách nhìn nhận, đánh giá của giới học giả ở Việt Nam và ở nước ngoài về bản chất, vai trò và địa vị lịch sử của Nội các Trần Trọng Kim cũng rất khác nhau. Trong khi nhiều tác giả coi Nội các Trần Trọng Kim là chính phủ bù nhìn, thân Nhật, là tay sai của phát xít Nhật, vừa phản dân tộc, vừa phản dân chủ, thì trái lại, một số tác giả lại đề cao Nội các này, cho rằng nó là một chính phủ dân tộc của các trí thức yêu nước, đấu tranh vì nền độc lập và bảo vệ chủ quyền quốc gia, thậm chí nó đã khởi xướng một cuộc cách mạng ở Việt Nam. Ôn hòa hơn là loại quan điểm thứ ba của một số học giả Việt Nam và nước ngoài cho rằng Nội các Trần Trọng Kim là một chính phủ của những nhà cải cách kỹ trị có tinh thần dân tộc, nhưng bất lực trước nhiệm vụ lịch sử của nó.” (PGS.TS Phạm Hồng Tung, Nội các Trần Trọng Kim bản chất, vai trò và lịch sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2009).

Là người trong cuộc, Trần Trọng Kim đã kể lại rất chân thực như chính ông cho biết: “Ấy là tôi tin ở cái tâm công minh của mọi người vậy.”

Trong “Một cơn gió bụi”, Trần Trọng Kim đã ghi lại rõ quan điểm của ông về vai trò và hoạt động của Chính Phủ. Ông viết:

[…] Theo ý tôi, bất cứ trong một chính thể nào, việc của chính phủ là phải lấy sự dân sinh làm trọng, nghĩa là phải làm cho dân an cư lạc nghiệp, rồi tìm cách giáo hóa nâng cao trình độ dân chúng về đường tinh thần và đường vật chất cho hợp thời để tiến thủ với các dân tộc khác, mà vẫn giữ được đặc tính của mình.[…]

Trong Chương 4 của cuốn sách: Ra Huế lập Chính phủ, học giả Trần Trọng Kim đã mô tả chi tiết việc thành lập và hoạt động của Chính phủ trong bối cảnh khó khăn lúc bấy giờ trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Nhật, Việt Nam với Pháp và nước Pháp với các Đồng Minh: từ việc hoàn toàn tự chủ chọn người lập danh sách các bộ trưởng, họp hội đồng chính phủ; thu ba kỳ Bắc – Trung – Nam về quyền trung ương để thống nhất đất nước như khi chưa bị sự bảo hộ của nước Pháp là việc rất trọng yếu; lo tìm nhà và các sở làm việc; lo tiếp tế miền Bắc khi dân tình đói khổ người chết đói hàng ngàn hàng vạn; gây lại lòng biết liêm sỉ trong các quan lại cũ khi nhiều người đã quen thói tham nhũng; lựa chọn quốc kỳ, quốc ca; điều đình với tổng tư lệnh Nhật lấy lại toàn lãnh thổ của Việt Nam, thu hết các công sở thuộc phủ toàn quyền cũ của Pháp, lấy hết các binh sĩ Việt Nam để tổ chức đội quân bảo an, lấy được 2.000 khẩu súng mới và đạn dược, và xin tha được một số thanh niên bị bắt,…

Cũng trong chương 4, tác giả có ghi lại sự việc lần đầu tiên làm việc với người của Việt Nam Độc lập Đồng Minh (tức Việt Minh) trao đổi về việc thống nhất lựa chọn con đường cứu nước vào hoàn cảnh lúc bấy giờ.

“[…] Hôm sau ông Toại đưa một thiếu niên Việt Minh đến, tôi nói: Chúng tôi ra làm việc chỉ vì nước mà thôi, chứ không có ý cầu danh lợi gì cả, tôi chắc đảng các ông cũng vì nước mà hành động. Nếu vậy chúng ta tuy đi con đường khác nhau, nhưng cũng một mục đích như nhau, các ông thử xem ta có thể hợp tác với nhau, kẻ ở trong người ở ngoài, để cứu nước được không?

Người ấy nói:

– Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trình nhất định để đem nước đến chỗ hoàn toàn độc lập. Chúng tôi có thể làm lấy được.

– Sự mưu cầu cho nước được độc lập cũng là mục đích của chúng tôi, nhưng vì đi đường thẳng có nhiều sự khó khăn nên chúng tôi phải uyển khúc mà đi từ từ có lẽ chắc chắn hơn. 

– Chúng tôi chỉ có một con đường thẳng đi đến hoàn toàn độc lập chứ không có hai.

– Theo như ý các ông như thế, tôi sợ rất hại cho dân, mà chưa chắc đã thành công.

– Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù người trong nước mười phần chết mất chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại, còn hơn với chín phần kia.

Rồi người ấy đọc một bài hình như đã thuộc lòng để kể những công việc của đảng Việt Minh. Tôi thấy thái độ người ấy như thế, tôi biết không thể lấy nghĩa lý nói chuyện được.[…]”

Theo nội dung hồi ký, sau khi Việt Minh lên cầm quyền, vua Bảo Đại thoái vị, Trần Trọng Kim ra ở nhà đã thuê từ trước tại làng Vĩ Dạ gần Huế. Ông viết: “Được mấy ngày, Việt Minh vào đưa vua Bảo Đại, bấy giờ gọi là công dân Vĩnh Thụy, ra làm Tối Cao Cố Vấn ở Hà Nội để dễ quản thúc.

Sau thấy có người, hoặc vì tuyên truyền, hoặc vì không biết rõ sự thực nói: “Chính phủ Trần Trọng Kim là một chính phủ bù nhìn, ý nói là chúng tôi ra làm việc để bọn Nhật sai khiến. Tôi dám cả tiếng bác lời nói đó”.

Với việc miêu tả chi tiết, cụ thể việc thành lập và hoạt động của Chính phủ Trần Trọng Kim trong 4 tháng, “Một cơn gió bụi” được nhà sách Phương Nam đánh giá là “tài liệu quan trọng nhất về việc thành lập, tổ chức, hoạt động của Nội các Trần Trọng Kim”.

Ông viết trong cuốn sách:

[…] Như thế chúng tôi có phải là một chính phủ bù nhìn, cứ luồn cúi dưới quyền đàn áp của người Nhật không? Chính vua Bảo Đại đã hiểu rõ sự ấy, nên khi ngài ở Hương Cảng có nói chuyện với một phóng viên của một tờ báo bên Pháp: Người Nhật thấy chúng tôi cương ngạnh quá, tỏ ý tiếc đã để chúng tôi làm việc.

Còn những công việc chúng tôi đã làm trong mấy tháng tôi đã kể rõ ở trên. Đối với dân chúng tôi đã tìm cách nâng cao dân trí lên. Người nào làm bậy có chứng cớ rõ ràng thì theo luật pháp mà trừng trị rất nghiêm. Chúng tôi lấy lại toàn lãnh thổ của tổ quốc và làm mọi việc không có điều gì nhục đến quốc thể. Đó là chỗ chúng tôi tự hào, trong khi làm việc, không để cho ai lấy uy quyền đè nén, và đối với lương tâm không có gì đáng hổ thẹn. […]”

“Một cơn gió bụi” được NXB Hội Nhà văn liên kết với Công ty TNHH MTV Sách Phương Nam phát hành vào đầu năm 2017, với số lượng 2.000 bản. In xong và nộp lưu chiểu quý I/2017.

Diệp Thu

Xem thêm: