Dự báo khoảng 9.500 người dân Hà Nội sẽ thiếu 100.000 m3 nước sạch mỗi ngày, tập trung tại 4 quận nội thành là Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm và Đống Đa.

nuoc sach ha noi
Mùa hè 2017, mỗi ngày người dân Hà Nội thiếu 100.000 m3 nước sạch. (Ảnh: qua ohido.vn)

Đại điện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết hiện các nhà máy cung cấp nước sạch của thành phố đang cung cấp khoảng trên 900.000 m3 mỗi ngày đêm, trong khi nhu cầu dùng nước sạch mùa hè tăng trung bình 10-12% so với mức bình thường, tương ứng trên 1.000.000 m3. Vì vậy, mùa hè năm 2017, dự báo trong giờ cao điểm lượng nước sạch cung cấp cho TP. Hà Nội thiếu từ 70.000-100.000 m3. Do đó, khoảng 9.500 người dân Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng đến sinh hoạt vì thiếu nước sạch.

Trong đó, nguồn nước sạch bị thiếu tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành là:

  • Quận Ba Đình: đường Bưởi;
  • Quận Tây Hồ: Thụy Khuê;
  • Quận Hoàn Kiếm: Hàng Buồm, Hàng Tre, Trần Nhật Duật, Hàng Gai, Hai Bà Trưng;
  • Quận Đống Đa: đường Đê La Thành, đường Láng, ngõ Thái Thịnh 2.

Lý giải về vấn đề trên, Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân thiếu nước là do áp lực tăng dân số cơ học tại các khu dân cư, khu đô thị và việc cung cấp nước hạn chế từ nhà máy nước sông Đà.

Theo công suất thiết kế, nhà máy nước sông Đà sẽ cung cấp cho TP. Hà Nội khoảng 600.000 m3 nước mỗi ngày đêm, tuy nhiên từ năm 2015 đến nay, công suất vận hành của nhà máy đã giảm dần chỉ còn 200.000 m3 mỗi ngày đêm (chiếm 23% tổng sản lượng nước sạch cung cấp cho thành phố).

Trong khi đó, tuyến ống số 2 dẫn nước từ nhà máy sông Đà về Hà Nội và hỗ trợ cho tuyến số 1 được khởi công từ tháng 10/2015, nhưng theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án này mới chỉ dừng ở bước chuẩn bị triển khai và chưa có thời gian hoàn thành.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ, TP. Hà Nội đã yêu cầu Công ty Cổ phần Viwaco (đơn vị cấp nước sông Đà) thường xuyên kiểm tra 7 điểm đấu nối; phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố rò rỉ, vỡ ống. Cùng với đó, các đơn vị phải kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng nước, kiểm soát nước đầu ra từ đường ống đến bể chứa; khảo sát, lắp đặt một số bồn nước dự trữ tại các khu dân cư đông người,…

Dự kiến đến năm 2020 khi các dự án nhà máy nước mặt sông Đuống, nhà máy nước mặt sông Hồng hoàn thành, tình trạng thiếu nước tại Hà Nội mới được cải thiện.

Hiện TP. Hà Nội có 5 nguồn cấp nước chính gồm:

  • Nhà máy nước mặt Sông Đà do Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) quản lý có lưu lượng khoảng 200.000 m3/ngày đêm; sản lượng chủ yếu phân phối qua Công ty Cổ phần Đầu tư & Kinh doanh nước sạch (Viwaco);
  • Các nhà máy và trạm khai thác nước ngầm do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawaco) quản lý với công suất khoảng 600.000 m3/ngày đêm;
  • Trạm cấp nước Hà Đông cơ sở 1 và cơ sở 2 do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông quản lý với công suất khoảng 50.000 m3/ngày đêm;
  • Trạm cấp nước Sơn Tây 1 và 2 do Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn Tây quản lý với công suất khoảng 23.500 m3/ngày đêm;
  • Các trạm cấp nước cục bộ tại các khu vực nông thôn.

Theo Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, dự báo nhu cầu sử dụng nước sạch của thành phố đến năm 2020 khoảng 1.560.000 m3/ngày đêm.

Đối với khu vực nông thôn, UBND Thành phố đã phê duyệt Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng năm 2030.

Trần Tâm

Xem thêm: