Giám đốc sở GTVT Bình Định cho biết Bộ GTVT đã đồng ý giảm mức thu phí qua trạm BOT Nam Bình Định.

bot nam binh dinh
Trạm thu phí BOT Nam Bình Định. (Ảnh: Khánh Minh)

Ngày 8/12, ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Giám đốc sở GTVT Bình Định cho biết Bộ GTVT đã đồng ý giảm mức thu phí qua trạm BOT Nam Bình Định (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn), hiện đang chờ ý kiến giảm giá phí tại trạm thu phí BOT Bắc Bình Định và trạm thu phí trên Quốc lộ 19 qua huyện Tây Sơn.

Trước đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và kiến nghị Bộ GTVT đồng loạt giảm giá ba trạm thu phí BOT tại khu vực tỉnh.

Đối với trạm thu phí BOT Bắc Bình Định và Nam Bình Định, Sở GTVT Bình Định phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư BOT rà soát, thống nhất đề xuất giảm giá:

Đối với mức giảm giá chung cho các phương tiện:

  • Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng: giảm còn 25.000 đồng/lượt;
  • Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn: giảm còn 45.000 đồng/lượt;
  • Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn: giảm còn 70.000 đồng/lượt;
  • Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet: 115.000 đồng/lượt;
  • Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet: 175.000 đồng/lượt.

Giảm 50% so với mức giá chung sau khi giảm giá đối với người dân địa phương vùng lân cận (gồm huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn và 7 xã của huyện Phù Cát – trong vùng bán kính cách trạm BOT Nam Bình Định 12 km): áp dụng cho phương tiện loại 1, các chủ phương tiện (không kinh doanh), xe biển xanh, xe buýt, xe chở rác.

Sở GTVT Bình Định cũng phối hợp với nhà đầu tư BOT và địa phương rà soát các chủ phương tiện được giảm 50% để báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư thực hiện.

Riêng đối với trạm thu phí BOT trên tuyến quốc lộ 19, đoạn qua huyện Tây Sơn, Giám đốc Sở GTVT Bình Định cho hay nhà đầu tư không thống nhất về mức giảm giá chung cho tất cả các phương tiện qua trạm, đề nghị giữ nguyên mức giá cũ.

Chủ đầu tư trạm này chỉ giảm giá 50% cho các địa phương vùng lân cận cách trạm BOT trong bán kính 5 km; các chủ phương tiện không kinh doanh; xe biển xanh, xe buýt, xe rác; riêng khu vực thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn), thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) chỉ thực hiện đối với xe biển xanh, xe buýt, xe chở rác.

Tỉnh Bình Định hiện có ba trạm thu phí BOT đường bộ, trong đó trạm Bắc Bình Định (xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn) và Nam Bình Định (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) đặt trên Quốc lộ 1, một trạm đặt trên Quốc lộ 19 (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn).

Hai trạm Bắc Bình Định và Nam Bình Định có khoảng cách nhỏ hơn 70 km cùng đặt trên Quốc lộ 1 khiến nhiều người dân và các chủ phương tiện phản đối vì cho rằng vị trí đặt trạm không hợp lý và dù mất phí nhưng chất lượng Quốc lộ 1A đoạn qua khu vực này lại kém chất lượng, đường bị vá tại nhiều điểm, các xe phải di chuyển chậm để đảm bảo an toàn.

Khoảng 16h30 ngày 14/11, phản đối việc đặt trạm BOT Nam Bình Định, một số tài xế khi lưu thông trên Quốc lộ 1A qua đây đã sử dụng tiền lẻ có mệnh giá 500, 1.000, 2.000 đồng để mua vé khiến giao thông bị ách tắc cục bộ khoảng 20 phút. Để xử lý ùn tắc giao thông, lực lượng điều tiết của trạm phải mở hai làn đường để các phương tiện đi qua.

Các tài xế phản đối trạm thu phí vì cho rằng vị trí đặt trạm không hợp lý, nhiều phương tiện ở địa phương chỉ đi trên Quốc lộ 1A một đoạn chưa đến 2 km nhưng vẫn phải đóng phí cho cả đoạn đường dài hơn 40 km. Một số tài xế cho rằng trong khi phí qua trạm cao nhưng mặt đường quá xấu, nhiều chỗ lồi lõm, thường xuyên bong tróc,…

Khánh Minh

Xem thêm: