Một trong những nội dung được các ĐBQH quan tâm và đặt nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong phiên chất vấn sáng ngày 16/11 là việc lựa chọn hình thức thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia.

dai-bieu-phan-bien-thi-trac-nghiem-trong-ky-thi-thpt-quoc-gia
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương phản biện nhiều nội dung liên quan đến hình thức thi trắc nghiệm. (Ảnh chụp màn hình)

Mở đầu cho nội dung chất vấn liên quan đến hình thức thi trắc nghiệm, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đưa ra một loạt câu hỏi:

“Việc công bố chính thức hình thức thi trắc nghiệm đối với hầu hết các môn trong kỳ thi THPT năm 2016-2017 vào ngày 28/9/2016 có ảnh hưởng gì đến chất lượng kỳ thi năm 2017 trong khi phương án thi đã được chuẩn bị từ lâu?

Việc chủ yếu thi trắc nghiệm có ảnh hưởng gì đến việc dạy và học ở cấp phổ thông năm 2016-2017? Và trong bối cảnh hình thức thi trắc nghiệm đối với hầu hết các môn thi, Bộ có biện pháp gì để tránh hiện tượng tiêu cực trong thi cử?”

dai-bieu-nguyen-truong-giang-4
Đại biểu Nguyễn Trường Giang chất vấn Bộ trưởng. (Ảnh chụp màn hình)

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trường Giang, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thi trắc nghiệm là phương thức để kiểm tra kiến thức, còn nội dung chương trình thì không thay đổi.

Đối với kỳ thi THPT quốc gia, mục đích là kiểm tra kiến thức cơ bản phổ thông đảm bảo tính toàn diện, không học tủ học lệch, đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Đặc điểm của kỳ thi này là có tới hàng triệu học sinh tham gia.

Bộ trưởng Nhạ cho biết có rất nhiều hình thức thi, có thể thi tự luận, có thể thi trắc nghiệm, nhưng đối với mục đích là xét tốt nghiệp và là một trong những căn cứ để xét vào các trường ĐH-CĐ thì Bộ GD-ĐT đã cân nhắc sau khi có những trao đổi với các chuyên gia. Theo đó, phương án thi trắc nghiệm có thể đánh giá được số lượng lớn thí sinh và có thể kiểm tra được kiến thức một cách toàn diện.

Bộ trưởng cũng cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều tổ chức thi trắc nghiệm; các nền giáo dục tiên tiến đều sử dụng công nghệ đánh giá trắc nghiệm. Theo Bộ trưởng, đây là phương thức tối ưu nhất khi cân nhắc với các vấn đề khác như: coi thi, chống gian lận trong thi cử,…

Tham gia phản biện câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng hình thức thi trắc nghiệm trong thực tế có rất nhiều điều đi ngược lại với những gì Bộ trưởng nói.

Theo đại biểu Việt Nga, thứ nhất, về mặt lý thuyết, thi trắc nghiệm không phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh như Bộ Giáo dục đề cập đến trong nhiều năm nay.

Với các môn học tự nhiên như Lý, Hóa, Sinh thì việc thi trắc nghiệm không rèn luyện được kỹ năng thực hành cho học sinh. Thêm nữa, trong những năm qua, các trường THPT đã tốn rất nhiều tiền để xây dựng các phòng học bộ môn đạt chuẩn để thực hành nhưng cuối cùng lại không thực hành gì cả vì không có trong chương trình thi trắc nghiệm.

Thứ hai, đại biểu Nga cho biết, đối với bộ môn Ngoại ngữ, kỹ năng nghe nói của cả thầy và trò đều rất yếu và cần phải rèn luyện thêm, tuy nhiên, thi trắc nghiệm không thể hiện được kỹ năng này.

Thứ ba, với môn Văn, đại biểu Nga thông tin, bây giờ cũng đang có tư duy là nên thi trắc nghiệm cả môn Văn, đại biểu cho rằng điều này là không cần thiết.

Đối với việc đánh giá học sinh một cách công bằng và tránh gian lận trong thi cử, đại biểu Nga cho hay thực tế hình thức thi trắc nghiệm cũng mang lại các giá trị ngược với quan điểm của Bộ trưởng.

Đại biểu Nga chia sẻ một câu chuyện:

“Các cháu học sinh đi thi về nói với tôi rằng chỉ thích thi trắc nghiệm thôi. Vì sao? Phòng thi của chúng cháu sẽ chọn ra một bạn học giỏi nhất, sau đó cho sức dầu gió rất nhiều, để làm gì? Cứ phương án 1, thì bạn ấy ho 1 tiếng, cả phòng chúng cháu tích vào phương án 1; phương án 2, ho 2 tiếng. Và trong quy chế thi thì không ai cấm thí sinh ho, thế cho nên chỉ cần một bạn làm được bài là tất cả phòng làm được bài”.

Đại biểu kết thúc phần phản biện với câu hỏi: “Thế thì đấy có phải là phương án ưu việt hay không?”

Một lần nữa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn cho rằng, việc thực hiện thi trắc nghiệm, đối với hàng triệu thí sinh là để kiểm tra kiến thức phổ thông cơ bản, đảm bảo tính toàn diện, tránh được tình trạng học môn gì thi môn ấy. Các câu hỏi thi trắc nghiệm có cả câu hỏi kiểm tra và câu hỏi suy luận, nhiều câu hỏi liên quan đến tư duy phản biện để đánh giá khả năng suy đoán, có thể phát triển năng lực.

Theo Bộ trưởng, đây là phương án phù hợp nhất trong các phương án phù hợp với mục tiêu của kỳ thi. Bộ trưởng cho rằng đây là phương án tương đối ổn định trong thời gian đổi mới và phù hợp với tiến trình phát triển khoa học công nghệ.

Linh Văn

Xem thêm: