Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành đối với 7 loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada sản xuất và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma.

nguyen-tgd-vn-pharma-lanh-an-12-nam-tu-kien-nghi-dieu-tra-trach-nhiem-cuc-quan-ly-duoc
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường kiêm Cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế là người ký duyệt cấp phép nhập khẩu lô thuốc của VN Pharma. (Hình ảnh: moh.gov.vn)

9h ngày 26/9, Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đến Bộ Y tế công bố quyết định thanh tra.

Đoàn thanh tra có nhiệm vụ tiến hành thanh tra theo nội dung quy định và kế hoạch đã được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt. Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra giúp Tổng Thanh tra Chính phủ giám sát hoạt động đoàn thanh tra.

Thời kỳ thanh tra từ 2011-2014, tùy tình hình có thể mở rộng về thời gian. Thời hạn thanh tra là 60 ngày làm việc kể từ ngày công bố (không tính ngày nghỉ). Ông Vũ Hồng Khánh, Thanh tra viên cao cấp, Phó vụ trưởng Vụ III Thanh tra Chính phủ, làm trưởng đoàn.

Trước đó ngày 7/9, Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành việc thanh tra; báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 31/12.

Trong các năm 2011-2014, VN Pharma đã nhập khẩu 8 loại thuốc kháng sinh và thuốc trị ung thư, do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc. (Canada) sản xuất. Thực tế hồ sơ là giả mạo, Công ty Helix là công ty “ma”.

Sau khi nhập khẩu trót lọt vào Việt Nam, các thuốc này đã trúng thầu vào nhiều bệnh viện, đưa doanh thu của VN Pharma tăng nhanh chóng.

Tháng 9/2014, Cục Quản lý dược rút 7 loại thuốc do VN Pharma cung cấp khỏi danh sách lưu hành tại Việt Nam. 7 loại thuốc nào đã lọt vào nhiều bệnh viện, trong đó 2 Bệnh viện tuyến Trung ương mua số thuốc này với số lượng hơn 1 tỷ đồng mỗi bệnh viện, chưa kể các Sở Y tế và các bệnh viện địa phương khác.

Đối với thuốc H-Capita 500mg Caplet, sau khi đã cấp phép, nhập thuốc về để trong kho, Cục Quản lý dược cho biết nghi ngờ vì giá thuốc kê khai và giá trúng thầu thấp hơn các thuốc cùng loại được sản xuất từ các nước, nên chuyển hồ sơ sự việc sang Bộ Công an.

7 loại thuốc bị giả mạo hồ sơ gồm:

– H2K Cirprofloxacin 200 mg (hoạt chất Cirprofloxacin 200 mg/100ml)

– H2K Cirprofloxacin 400 mg (hoạt chất Cirprofloxacin 400 mg/200ml)

– H2K Levofloxacin 250, 500 và 750 mg (hoạt chất Levofloxacin 250, 500 và 750 mg/100 ml)

– H- Cipox 200 (hoạt chất Cirprofloxacin 200 mg/100 ml)

– H-Levo 500 (hoạt chất Levofloxacin 500 mg/100 ml)

Tất cả đều ở dạng bào chế dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, có số đăng ký lần lượt là VN-17877-14 đến VN-17883-14, do Công ty dược phẩm Helix Pharmaceuticals (Canada) sản xuất, Công ty CP VN Pharma đăng ký nhập khẩu.

Liên quan đến vụ án VN Pharma, dư luận đặt nhiều nghi vấn xoay quanh việc em chồng của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm phó TGĐ công ty, phụ trách về xây dựng và đầu tư tại VN Pharma, và những phát ngôn từ phủ định đến thừa nhận việc này của Bộ trưởng Kim Tiến.

Vĩnh Long

Xem thêm: