Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.872 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.100 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 1.182 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng. Thời gian thu phí của dự án tạm tính khoảng 23 năm.

bot ven bien thai binh anh minh hoa
Thái Bình đề xuất đầu tư BOT tuyến đường bộ ven biển gần 3.900 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Lưu Tâm)

Chiều ngày 13/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có buổi họp với lãnh đạo tỉnh Thái Bình về tình hình phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực tỉnh, trong đó có dự án tuyến đường bộ ven biển.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Diên – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết đến nay, địa phương đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.872 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.100 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 1.182 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng. Thời gian thu phí của dự án tạm tính khoảng 23 năm.

Theo ông Diên, dự án có ý nghĩa quan trọng kết nối Thái Bình với Cảng hàng không Cát Bi (Hải Phòng) và Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh).

Trước đề xuất của ông Diên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay đây là trục đường quan trọng cần đầu tư xây dựng nhằm kết nối tuyến đường bộ ven biển chạy dọc bờ biển phía Đông qua nhiều tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa,…

Tuy nhiên, thông qua kết quả thẩm định của Vụ Đối tác – công tư (PPP), phương án tài chính của dự án còn bộc lộ bất cập cần phải điều chỉnh lại.

Tuyến đường này chỉ có quy mô hai làn xe, năng lực đáp ứng lưu lượng xe tối đa chỉ khoảng 14.000 PCU (xe tiêu chuẩn)/ngày đêm, không thể lên tới 25.000 PCU/ngày đêm như kết quả của đơn vị tư vấn lập dự án đưa ra. Hơn nữa, phương pháp tính toán của đơn vị tư vấn cũng còn một số sai sót khiến phương án tài chính không khả thi và dự án không thể hoàn vốn” – Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, tỉnh cần thuê đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và năng lực tiến hành thẩm tra, xác định lại phương án tài chính để điều chỉnh lưu lượng, mức giá, thời gian hoàn vốn,… khi đó mới xác định được chính xác cơ cấu nguồn vốn của dự án.

Khi có kết quả cuối cùng, phương án tài chính của dự án đảm bảo khả thi, Bộ GTVT sẽ thống nhất với địa phương thực hiện đầu tư dự án bằng hình thức PPP, loại hợp đồng BOT” – Bộ trưởng nói.

Văn Duy

Xem thêm: