Không khí buổi chầu đã trở nên căng thẳng sau màn chầu của Táo Kinh tế. Từ sau sân khấu, Táo Giáo dục lật đật tiến vào.

tao gd
Táo giáo dục (Tranh biếm hoạ: Kim Tuyến)

Táo GD: Dạ, Thần xin trình bản tấu ạ.

Ngọc Hoàng: Qọk Hoàq vạn tuế. Wần Záo zụk xin bái kiến Qọk Hoàq (“Ngọc Hoàng vạn tuế. Thần Giáo dục xin bái kiến Ngọc Hoàng”). Nhà ngươi mới đi nước ngoài về à? Sao bản tấu lại viết loằng ngoằng gì đây?

Nam Tào: Thôi anh Giáo dục, anh nói luôn đi, đừng dâng sớ tâu nữa. 

Táo GD: Thưa Ngọc Hoàng, đây không phải tiếng nước ngoài ạ. Đây là đề xuất cải cách tiếng Việt dưới hạ giới, 1 công trình khoa học đang rất được dư luận quan tâm ạ.

Ngọc Hoàng: Sao lại phải cải cách tiếng Việt?

Táo GD:
Bẩm Ngọc Hoàng, tiếng Việt của cha ông ta để lại còn nhiều bất cập, thiếu nhất quán, gây khó khăn cho người dùng, đặc biệt là người nước ngoài khi học tiếng Việt. Đề xuất này giảm được số chữ trong bảng chữ cái, lại còn tiết kiệm được rất nhiều giấy để in ạ.

Nam Tào:
Thưa Ngọc Hoàng, nếu theo lời anh Táo Giáo dục về việc tiết kiệm thì thần thấy ngược lại ạ. Bây giờ phải in lại tất cả mọi văn bản giấy tờ sổ sách với kiểu chữ mới đó thì còn tốn gấp mấy chục lần. Chưa kể phải mất công toàn bộ người dân đi học lại, gây xáo trộn xã hội.

Bắc Đẩu:
Theo ý thần, anh Táo Giáo dục đang hiểu một cách rất bề mặt về ngôn ngữ. Ngôn ngữ không chỉ là ký hiệu giao tiếp thuần tuý, mà nó còn là văn hoá, là linh hồn của dân tộc. Thay đổi ngôn ngữ là thay đổi đi nếp văn hoá, nếu như ngôn ngữ không được tôn trọng và xuống cấp thì nền văn hoá đó cũng sẽ dễ dàng bị xuống cấp.


Ngọc Hoàng: Táo Giáo dục, trước đây nhà ngươi có hô hào phát động phong trào giữ gìn tiếng Việt và “làm trong sáng tiếng Việt”, nhưng dần dần ta thấy tiếng Việt ngày càng bị sử dụng bừa bãi, thoái hoá, cái này là trách nhiệm của nhà ngươi rất lớn. Còn về việc thay đổi chữ viết, ta không có chủ trương làm.

Ngươi hãy nhìn sang nước láng giềng mà xem, thay đổi chữ phồn thể bằng giản thể đã khiến nền văn hoá của họ tuột dốc, rất nhiều nội hàm của ngôn ngữ bị thay đổi, không có ý nghĩa hoặc ý nghĩa bị bóp méo. Như thế là sự phá hoại, là tội lớn đó.

Táo GD: Dạ, thưa Ngọc Hoàng, đây mới chỉ là đề xuất thôi ạ, nếu không có thánh chỉ thần không dám thực hiện.

Nam Tào: Thưa Ngọc Hoàng, đề xuất này nghe nói là của một người cũng có học hàm học vị rất cao. Gần đây, thần nghe nói dưới hạ giới còn đang định chi 12.000 tỷ để đào tạo tiến sỹ. Ngọc Hoàng xem, chi số tiền lớn như vậy mà để đào tạo ra các tiến sỹ có những “sáng kiến” như vậy thì quả là lãng phí.

Táo GD: Vâng, chuyện đào tạo đó là có ạ, thưa Ngọc Hoàng. Mục đích của thần là nhằm nâng cao năng lực, chất lượng cho đội ngũ giảng viên và cán bộ các cơ sở giáo dục trên cả nước. Muốn cải tổ toàn diện nền giáo dục thì phải đầu tư trước tiên cho đội ngũ giảng dạy.

Bắc Đẩu: Anh giáo dục lại muốn đi theo con đường của anh văn hoá phải không? Hết lò đào tạo hoa hậu rồi lại đến lò “sản xuất” tiến sỹ. Thưa Ngọc Hoàng, dưới hạ giới giờ đã có hơn 25.000 tiến sỹ nhưng chất lượng thì còn nhiều tranh cãi, không có mấy công trình khoa học, nghiên cứu nổi bật, nhiều công trình còn chỉ là xào nấu sao chép từ các nơi. Người ta coi học vị tiến sỹ chỉ là làm đẹp cho hồ sơ, chứ không chú tâm thật sự vào nghiên cứu.

Táo GD: Anh nói thế nào ấy, các công trình nghiên cứu đều rất sâu sát nhiều vấn đề của xã hội, của đất nước. Tôi ví dụ vài đề tài tiến sỹ cho anh xem nhé: “Hành vi nịnh trong tiếng Việt,” “Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm,” “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã,'”v.v.

Picture1
Các đề tài bảo vệ luận văn tiến sỹ


Bắc Đẩu: Bẩm Ngọc Hoàng, với những luận văn tiến sỹ có đề tài như trên thì nói lãng phí tiền của quả là không sai. Nếu những người này vì cái bằng tiến sỹ mà được thăng quan tiến chức làm lãnh đạo thì thật là thảm hoạ cho đất nước. Ngoài ra, việc cấp bằng tiến sỹ ở hạ giới cũng dễ dàng lắm ạ. Ở tỉnh kia người ta còn bảo chỉ cần chi vài trăm triệu là “mua” được bằng tiến sỹ y khoa rồi. Còn thông thường, do chế độ cho người hướng dẫn, người chấm quá rẻ mạt, nên họ cũng không mặn mà gì mà phản biện.

Ngọc Hoàng: Táo Giáo dục, ta thấy các ngươi cải cách cải tổ năm này qua năm khác mà vẫn đi vòng vòng, trong khi đó hao tiền tốn của không kể xiết. Đề xuất đào tạo tiến sỹ này ta cũng không phê chuẩn. Các ngươi cải cách giáo dục, nhưng xem ra cần cải cách đầu tiên chính là tư duy của các ngươi đó.

Bắc Đẩu: Ngọc Hoàng dạy chí phải ạ. Cái tư duy giáo dục cũ kỹ, giáo điều là cần phải thay đổi. Thần đơn cử chuyện dạy học văn, mấy chục năm đã qua rồi mà học sinh vẫn phải học đi học lại những “Vợ chồng A Phủ,” “Vợ nhặt,” “Chí Phèo,” “Rừng xà nu” v.v. Viết văn cũng chỉ chấm có đủ ý theo mẫu hay không, triệt tiêu sự sáng tạo và cảm nhận cá nhân. Những tư tưởng trong đó không còn hợp thời rồi ạ.

Táo GD: Anh không cập nhật rồi anh Bắc Đẩu ơi! Tôi là thay đổi lâu rồi đó, giờ trong các đề thi ngữ văn tôi đều cho vào đó những vấn đề thời sự như “Chi Pu không biết hát”, hay cảm nhận bài hát nổi tiếng “Lạc trôi” của Sơn Tùng để tạo ra những “luồng sáng mới” cho việc dạy và học văn, tạo cảm hứng cho các em học sinh.


Ngọc Hoàng: Như thế thì ta cảm thấy lại sang một cực đoan khác rồi. Việc dạy học văn trong trường phổ thông không được quá cứng nhắc nhưng không được quá tuỳ tiện. Cần lựa chọn những nhân vật, tác phẩm, sự kiện có tính điển hình, có giá trị và ý nghĩa trên nhiều phương diện.

Nam Tào: Thưa Ngọc Hoàng, thần còn nhận thấy một sự thật đáng buồn nữa là nghề giáo hiện giờ cũng không còn được coi trọng như trước kia. Hồi xưa chỉ những ai học giỏi nhất mới vào Sư phạm, thì bây giờ mỗi môn 3 điểm là trúng tuyển đại học, tương lai trở thành thầy cô giáo rồi ạ. Sự ế ẩm này cũng có nguyên nhân, Ngọc Hoàng xem, có cô giáo sau mấy chục năm cống hiến khi nghỉ hưu chỉ nhận được lương có hơn 1 triệu đồng mỗi tháng thì họ sống làm sao?

Táo GD: Tôi khẳng định là việc nhận lương như vậy đúng theo mọi thủ tục và quy trình.

Nam Tào: Các anh lúc nào cũng lấy quy trình ra bao biện mà không nhìn vào thực tế. Với mức lương như vậy thì hỏi còn ai muốn tận tâm cống hiến, từ đó sinh ra tình trạng dạy thêm học thêm và rất nhiều tiêu cực. Chưa kể việc được vào biên chế trong ngành giáo dục hiện tại là vô cùng khó, nếu chỉ có mỗi “trí tuệ”  mà không phải là “hậu duệ,” “quan hệ,” “tiền tệ” thì đừng mơ đến lượt.

Bắc Đẩu: Chính vì còn nhiều bất cập như vậy mà ngay cả thủ khoa sư phạm từng được vinh danh cũng không kiếm được việc làm, phải ở nhà chăn lợn. Ngoài kia còn rất nhiều cử nhân đi làm bốc vác, bán bún đậu mắm tôm, chạy xe ôm đấy ạ, thưa Ngọc Hoàng.

Nam Tào: Bẩm Ngọc Hoàng, ngoài việc chất lượng giáo viên gây tranh cãi ra thì đạo đức của người làm nghề sư phạm cũng đáng báo động rồi ạ. Năm vừa qua có cô hiệu trưởng đi taxi vào trường cán vào chân học sinh nhưng không chịu nhận sai, lại còn tạo dựng bằng chứng giả để chối tội. Gần đây dư luận còn đang rất phẫn nộ việc các cô dạy mầm non bạo hành các em.

Ngọc Hoàng: Quả thật là bi kịch! Táo Giáo dục, nhà ngươi là vẫn còn chạy theo bệnh thành tích như vậy, vẫn không tạo cơ hội cho những người thực tài có cơ hội làm việc và cống hiến như vậy, vẫn còn để những người đạo đức kém đứng trên bục giảng, thì hỏi ngươi quản lý giáo dục ra làm sao? Giáo dục là nền tảng để đào tạo, xây dựng nên nhân cách một con người cho thế hệ tương lai, ngươi không làm tròn trách nhiệm thì phải bị cách chức.



“Hỡi các Táo, các ngươi là sứ giả thay ta cai quản việc của hạ giới, nhưng năm vừa qua không ai trong số các ngươi làm tốt nhiệm vụ, đều bị cái danh – lợi – tình của thế gian làm cho lung lay chao đảo.

Các ngươi mỗi người mỗi việc khác nhau, nhưng để làm tốt việc thì chỉ có một công thức chung thôi: đó là phải biết thật sự lo cho người dân, nghĩ đến người khác trước.

Hiện giờ thế gian con người đã ngày càng bại hoại, theo luật trời thì đã đến mức độ nguy hiểm rồi đó. Các ngươi không dùng chính trực, từ tâm, nhẫn nại mà chỉnh lại chính mình và làm gương cho người dân, thì có ngày sẽ hối không kịp đâu. Ta không dọa các ngươi một chút nào hết, các ngươi hãy nhìn những biến hoá của thiên tượng ở thế gian con người thì khắc tự hiểu.

Bãi chầu.”

Cùng tua lại các buổi chầu trước: