Bắc Đẩu: Ối ôi Ngọc hoàng ôi, anh Táo Kinh tế đang một mình một lợn, tay cầm chổi đót hướng thẳng lên cung đình! Hay… hay… anh ấy muốn gây biến thưa Ngọc Hoàng?

tao quan 2018
Năm qua giá lợn giảm thấp, buôn chổi đót có thể giúp bà con xây được biệt phủ hàng chục tỷ đồng – Táo KT đưa cao kiến. (Tranh biếm họa: Kim Tuyến)

Ngọc Hoàng: (thở dài) Bao nhiêu năm giậm chân tại chỗ, nền kinh tế đến lúc này còn điều gì bất ngờ nữa chăng… Thôi, năm qua có gì ngươi báo cáo đi.

Táo KT: Khởi bẩm Ngọc Hoàng, nhìn chung năm qua kinh tế nước ta tăng trưởng ổn định ở mức 6,7%, vượt kỳ vọng đề ra nhờ các biện pháp quyết liệt như thúc đẩy cổ phần hoá, đẩy mạnh giải ngân vốn v.v. Thực ra thần cho rằng còn có thể tăng trưởng cao hơn thế lên mức trên 7%, thậm chí 8% nếu nợ công không tăng.

Bắc Đẩu: Bẩm Ngọc Hoàng, hiện tại nợ công dưới hạ giới đã lên mức rất cao là hơn 3 triệu tỷ đồng, tính ra mỗi đầu người từ người già đến trẻ sơ sinh phải gánh hơn 30 triệu đồng nợ công rồi ạ. Trong khi đó khả năng trả nợ rất khó khăn, phải vay nợ mới trả nợ cũ khiến nợ chồng nợ.

Nam Tào: Nợ công tăng là do bội chi vượt mức. Muốn nợ công giảm thì phải tiết kiệm chi. Nhưng Ngọc Hoàng xem, dưới kia quan chức thì tham nhũng, công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng, tiền ngân sách được chi vô tội vạ vào nhiều dự án “trên trời” như xây tượng đài, xây nghĩa trang, lát lại vỉa hè thì hỏi tiết kiệm làm sao.

Táo KT: Tại sao lại gọi là dự án “trên trời” được, danh nhân thì cần được xây tượng để vinh danh, xây nghĩa trang có thể giúp tỉnh phát triển bền vững, đá vỉa hè cũ rồi không hợp quy hoạch phát triển mới của thành phố thì phải lát lại thôi.

Nam Tào: Thưa Ngọc Hoàng, các dự án tượng đài trong những năm qua tiêu tốn cả nghìn tỷ đồng trong khi nhiều tỉnh vẫn thuộc dạng nghèo phải cứu đói hàng năm. Chưa kể vật liệu đều dùng loại kém chất lượng, trẻ con đu lên là gẫy. Còn lát vỉa hè chỉ riêng một đoạn đã mất hơn trăm tỷ đồng, các anh ấy nói rằng lát đá tự nhiên có kết cấu bền vững sử dụng được 70 năm nhưng chỉ vài tháng đã bong đã vỡ.

Ngọc Hoàng: Như thế là quá lãng phí rồi. Các ngươi làm quan thì phải biết lo cho dân chứ không phải tiêu xài hoang phí như vậy. Táo Kinh tế, ngươi cần phải sớm có biện pháp để cân bằng lại ngân sách…

Táo KT: Bẩm Ngọc Hoàng xin Ngài an tâm. Thần đang làm quyết liệt việc tinh giảm biên chế, kể cả “con ông cháu cha” cũng không bỏ qua. Ngoài ra, thần còn đề xuất tăng thuế VAT lên 12% để tăng ngân sách cho nhà nước ạ.

Bắc Đẩu: Anh Táo Kinh tế tăng thuế như vậy đã cân nhắc đến người dân nghèo chưa?

Táo KT: Tôi khẳng định là tăng thuế vậy không ảnh hưởng tới người nghèo. Người nghèo mua rau, dưa ở chợ có phải chịu thuế GTGT đâu. Dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục cũng có chịu thuế đâu. Như vậy những mặt hàng không chịu thuế VAT thì dù VAT có tăng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì.

Bắc Đẩu: Anh nói thế nào ấy, thế thịt và rau tự nhiên sinh ra tự nhiên mất đi à? Muốn có thịt thì phải chăn nuôi gia súc, muốn có rau thì phải trồng. Thuế của thức ăn chăn nuôi tăng, của thuốc thú y tăng, phân bón tăng, thì giá thịt giá rau có tăng không? Tiền xăng tăng, phí vận chuyển tăng, thì giá thịt giá rau có tăng không?

Táo KT: Tôi cân nhắc tăng lên 12% là rất nhẹ nhàng rồi đấy. Ông có biết mức thuế ở nước ta thấp hơn nhiều so với các nước khác không?

Bắc Đẩu: Muốn so sánh với nước khác, ông cần tính tỷ lệ thu thuế VAT trong tổng thu. Với nước ta, tỷ lệ này tới gần 28%, trong khi đó các nước cao nhất ở Châu Âu cũng chỉ có 21%, nhiều nước thậm chí còn dưới mức này.

Ngọc Hoàng: Tăng thuế VAT là một vấn đề lớn, ngươi cần nghiên cứu cho kỹ. Việc gì có lợi cho dân thì hãy làm, bằng không thì đừng làm.

Ta cũng nghe nói, năm vừa qua nợ xấu ngân hàng cũng tăng, tỷ lệ nợ xấu đã chiếm tới 10% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Như vậy là đã đến mức báo động rồi đó.

Táo KT: Thưa Ngọc Hoàng, quá trình xử lý nợ xấu đến nay còn nhiều khó khăn và hạn chế, thần cũng rất lo lắng. Ngoài ra, năm vừa rồi tình hình biến động giá thịt lợn cũng làm cho nợ xấu tăng thêm.

Ngọc Hoàng: Sao nợ xấu tăng lại do thịt lợn?

Táo KT: Thưa, thời gian qua các hộ dân tăng đàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng bị ảnh hưởng, nên nguồn cung thịt lợn nội địa tăng vọt, do đó giá bán lợn giảm thấp, người dân và doanh nghiệp không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nên nợ xấu tăng ạ.

Nam Tào: Thưa Ngọc Hoàng, không chỉ riêng gì thịt lợn mà đã từ lâu nhiều mặt hàng nông sản khác đều là sản xuất tự phát, phân tán, quy mô nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, quy chuẩn nên nguồn cung dư thừa rất khó giải quyết. Vấn đề quy hoạch trong ngành nông nghiệp còn nhiều bất cập lắm ạ. Vì thế, người dân cả nước cứ liên tục phải đi “giải cứu”. Hôm nay thì giải cứu thịt lợn, mai thì giải cứu dưa hấu, thanh long, khoai lang.

Ngọc Hoàng: Táo Kinh tế, ta thấy Nam Tào nói đúng đấy, sản xuất thì cần làm thành những quy hoạch cụ thể, dài hạn và có tính khả thi thì mới vững mạnh được, cũng là đảm bảo cuộc sống cho người nông dân. Cần xác định rõ những ngành mà có thể làm ngành mũi nhọn để tập trung làm cho thật tốt.

Táo KT: Thưa, thần đã vạch ra 3 ngành mũi nhọn rất tiềm năng:

Ngành mũi nhọn thứ nhất là nuôi tôm. Nước ta cần phải phấn đấu trở thành thủ phủ tôm của hạ giới. Ngọc Hoàng xem, hạ giới có 7 tỷ người, mỗi người ăn 1kg tôm là 7 triệu tấn, trong khi nguồn cung mới có 5 triệu tấn thôi, rõ ràng chỗ này còn rất lớn.

Ngành mũi nhọn thứ hai là biến nước ta thành hình mẫu đi đầu của việc chạy xe ôm, cần nâng tầm nó lên thành thương hiệu quốc tế. Giờ nhà nhà chạy xe ôm, người người chạy xe ôm. Cử nhân ra trường không lo thiếu việc, có thể chạy xe ôm. Người không có tay nghề không lo thất nghiệp, có xe ôm để chạy. Đến cả các doanh nghiệp taxi, xe hơi cũng đều đang chuyển hướng đi chạy xe ôm.

Ngành mũi nhọn thứ ba là buôn chổi đót ạ. Đây là một ngành tuy lâu đời nhưng gần đây mới thấy rõ hiệu quả kinh tế đáng nể của nó. Cùng với chạy xe ôm, buôn chổi đót có thể giúp bà con xây được biệt phủ hàng chục tỷ đồng.

Nam Tào: Bẩm Ngọc Hoàng, cái vụ biệt phủ này gây bức xúc trong dân chúng lắm ạ. Khi kê khai tài sản, nhiều cán bộ khai không trung thực, cán bộ kiểm kê cũng không có trách nhiệm xem việc kê khai có đúng không. Anh Táo nói vậy cứ làm như người dân dân trí thấp không biết gì ấy. Như thế là coi thường người dân.

Táo KT: Thế mà tôi thấy họ báo cáo lên vậy, tôi tưởng là cái nghề buôn chổi đót này tiềm năng lắm …

Ngọc Hoàng: Táo Kinh tế, thế mới thấy việc ngươi giám sát cấp dưới còn nhiều lỗ hổng lắm. Người dân là người ta đều biết đánh giá đúng mức đấy, làm cán bộ thì việc nói và làm phải phù hợp, thống nhất với thực tiễn thì dân mới tâm phục khẩu phục. Bằng không, người dân sẽ dần mất lòng tin, mà mất lòng tin rồi thì sẽ mất rất nhiều thứ.

Nam Tào: Thưa Ngọc Hoàng, nói về lòng tin, thì thần nhận thấy lòng tin của người dân với cán bộ, quan chức đã dần mất đi rồi ạ. Người dân sống bây giờ thật khổ, không biết tin ai, tin cái gì. Ngoài thị trường thì hàng kém chất lượng, hàng giả tràn lan. Vừa rồi người dân phát hiện ra ngay cả một thương hiệu lụa đình đám, niềm tự hào của lụa Việt cũng bán hàng tráo nhãn mác, hàng giả mấy chục năm qua.

Ngọc Hoàng: Táo Kinh tế, về việc này ta nghĩ ngươi nhất định phải xem xét nghiêm túc. Hiện giờ đất nước mở cửa hội nhập, khi hàng nước ngoài tràn vào mà trong nước không có được những thương hiệu tốt, được người dân tin dùng thì làm sao để cạnh tranh?

Táo KT: Xin Ngọc Hoàng chớ lo. Dưới hạ giới nước ta dù chưa bằng ai nhưng cũng đã chế tạo được siêu điện thoại thông minh Bưởi-phone mà mấy hãng nước ngoài như Táo, Xoài còn phải học hỏi. Năm nay thần còn khởi động sản xuất xe hơi có thể sánh ngang với Mẹc …

Ngọc Hoàng: Ta thấy nước ta ngay cả cái đinh con ốc còn chưa làm nổi nhưng đã tiến tới tầm smartphone, xe hơi cơ à? Tuy nhiên, dù thế nào thì đó cũng là những mặt hàng xa xỉ phẩm, cần phải tạo dựng lòng tin từ những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày, phục vụ đa số người dân, đi từ những cái nhỏ lên thì mới bền chắc.

Táo KT: Dạ, thần xin lĩnh hội lời dạy của Ngọc Hoàng ạ.

Ngọc Hoàng: Những gì ta nói ngươi cần phải ghi nhớ cho kỹ. Vấn đề ở đâu thì phải quyết liệt xử lý ở đó, không phải ngứa trên đầu mà cứ gãi mãi dưới chân.

Thư ký buổi chầu tốc ký.

Mời xem Phần 4: Táo Giáo dục-Y tế nói gì về một năm qua