Cục Hàng không Việt Nam vừa tái đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt Dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ tại 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. 

du an duoi chim
Cục Hàng không Việt Nam vừa tái đề xuất lên Bộ GTVT dự án đuổi chim ở sân bay. (Ảnh: TTVN)

Cục Hàng không cho hay hệ thống sẽ tự động phát hiện vật thể lạ với toạ độ cảnh báo chính xác, không cảnh báo nhầm, không tắc nghẽn, không can nhiễu tới các hệ thống kỹ thuật của khu bay và máy bay, đồng thời giúp hạn chế, loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường băng do vật thể lạ như chim, động vật hoang dã xâm nhập.

Dự kiến sẽ triển khai tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) với chi phí gần 510 tỷ đồng và Nội Bài (Hà Nội) với chi phí 486 tỷ đồng, tổng cộng 996 tỷ đồng.

Về phương án đầu tư, Cục Hàng không đưa ra 3 phương án. Trong đó, phương án 1 là giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư. Phương án 2 là huy động doanh nghiệp đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công-tư). Phương án 3 là Bộ GTVT ký hợp đồng dự án thực hiện với các quyền, nghĩa vụ trên cơ sở thỏa thuận với nhà đầu tư, sau khi hoàn tất việc lắp đặt hệ thống, nhà đầu tư sẽ chuyển giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho sân bay quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống.

Trong ba phương án trên, Cục Hàng không kiến nghị chọn phương án ACV làm chủ đầu tư vì cho rằng ACV có thể sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp để triển khai dự án hoặc kêu gọi đầu tư và thu xếp hoàn trả dần cho nhà đầu tư.

Trong trường hợp ACV không thực hiện được dự án thì kêu gọi đầu tư (theo hình thức đối tác công – tư (PPP) sau đó hoàn trả dần vốn cho nhà đầu tư.

Về phương án hoàn vốn, theo Cục Hàng không, người khai thác phải trả tiền cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bằng kinh phí trích từ doanh thu dịch vụ cất, hạ cánh hàng năm để cơ quan này trả cho nhà đầu tư. Mức kinh phí được xác định dựa trên tổng mức đầu tư ban đầu, lợi nhuận kỳ vọng (dự kiến 11%/năm) và thời gian khai thác hệ thống (tối thiểu là 10 năm).

Theo thống kê của Cục Hàng không, từ năm 2014-2016, đã có 156 vụ liên quan tới vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Riêng năm 2016 có tới 20 sự cố xảy ra do chim va và máy bay bị cắt lốp.

Cục nêu ra một số sự việc điển hình như: ngày 8/1/2016, chiếc Airbus 321 của Vietnam Airlines chở 162 hành khách từ Đà Nẵng đi Hà Nội bị rách lốp do tác động của vật ngoại lai trên đường băng; tối ngày 2/10/2016 và ngày 3/10/2016, hai chuyến bay Hà Nội-Tokyo, Nhật Bản (VN310/311) và TP.HCM-Seoul, Hàn Quốc (VN408/409) của Vietnam Airlines va phải chim gây hỏng động cơ dẫn đến tình trạng chậm chuyến của hàng loạt chuyến bay nội địa và quốc tế.

3 lần đề xuất, giảm vốn, đổi đơn vị quản lý dự án

Cuối tháng 7/2016, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trình Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư dự án lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng (FODetect) tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư 1.162 tỷ đồng.

Hệ thống này có mục đích phát hiện tự động, cảnh báo và xử lý toàn bộ chim, vật thể lạ trên đường hạ cất cánh, thay thế cho phương pháp hiện tại là quan sát bằng mắt thường.

Tại văn bản phản hồi ý kiến với Bộ GTVT, Cục Hàng không cho rằng đề xuất của ACV còn khá sơ sài và thiếu phương án tổ chức quản lý, chủ thể khai thác, phương án thu phí chuyến bay để đầu tư dự án làm tăng chi phí cho hãng hàng không.

Đến tháng 11/2016, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản gửi Bộ GTVT xin triển khai dự án với 2 phương án chi tiết và cụ thể hơn với tổng kinh phí đầu tư 996 tỷ đồng, giảm 164 tỷ đồng so với dự án của ACV và thời gian hoàn vốn dự kiến dài hơn. Tuy nhiên, đề xuất này không được Bộ GTVT phê duyệt.

Tính đến nay, dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ tại 2 sân bay đã 3 lần được đề xuất với số vốn đầu tư giảm từ 1.162 tỷ đồng xuống 996 tỷ đồng, và Cục Hàng không thay ACV làm đơn vị quản lý dự án.

Nhận định về đề xuất hồi tháng 11/2016 của Cục Hàng không, một số chuyên gia hàng không cho rằng dự án chưa phải là việc làm cấp thiết vì ngành hàng không còn nhiều việc phải làm như chống ngập, kẹt sân đỗ… Ngoài ra, có rất nhiều loại công nghệ như radar, lazer, robot đuổi chim có mức đầu tư không quá lớn đang được các sân bay trên thế giới áp dụng; nguy cơ sự cố chim, động vật xâm nhập không lớn do sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố lớn, cả 2 sân bay đều có hệ thống tường rào, lưới thép mắt nhỏ cộng lực lượng bảo vệ. Việc gia tăng một khoản đầu tư lớn trong khi chưa rõ về tính hiệu quả và cần thiết sẽ làm tăng phí dịch vụ sân bay, tăng giá vé khiến cuối cùng doanh nghiệp và khách hàng là đối tượng phải gánh chịu.

Nguyễn Quân

Xem thêm: