Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (SN 1979, ngụ phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bị truy tố về tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Khoản 1, Điều 88 Bộ luật Hình sự – một điều khoản được Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho rằng “quá rộng và không xác định” và “có thể kết tội bất kỳ công dân Việt Nam nào khi họ bày tỏ ý kiến, để thảo luận hoặc để chất vấn Chính phủ về các chính sách của Chính phủ”.

blogger me nam 6
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) lên tiếng vì các vấn đề môi trường, phản đối các hành động của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp Hoàng Sa – Trường Sa,…

Từ 8h sáng nay (29/6), Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) bị cáo buộc về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo điều 88, Bộ Luật Hình sự.

Phiên tòa xét xử bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được diễn ra công khai. Tham gia bào chữa cho bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại tòa có: Luật sư Nguyễn Hà Luân, Luật sư Lê Văn Luân (Đoàn luật sư Hà Nội).

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt vào ngày 10/10/2016 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Theo cơ quan điều tra, Như Quỳnh bị bắt vì các hoạt động trên Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác bao gồm: viết, đăng tải và chia sẻ bài viết có nội dung phê phán Nhà nước. Cơ quan điều tra cũng thu giữ một tài liệu mà Như Quỳnh chia sẻ trên Facebook với thông tin 31 người dân bị chết trong khi bị giữ và bị thẩm vấn trong đồn công an.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch), cơ quan công an cho hay khi khám xét nhà của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, họ tìm thấy nhiều tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội. Trong đó có các biểu ngữ như: “Cá cần nước sạch, nước cần minh bạch”; “Khởi tố Formosa”, “No Formosa” (Nói không với Formosa),… và phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở Hoàng Sa và Trường Sa như: “No to Chinese Expansionism” (Nói không với Chủ nghĩa Bành trướng Trung Quốc).

Ngày 14/10/2016 – 4 ngày sau khi Như Quỳnh bị bắt, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam “tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền, xóa bỏ những cáo buộc này chống lại Như Quỳnh và trả tự do ngay”. Ông lưu ý rằng Điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam “quá rộng và không xác định”“có thể kết tội bất kỳ công dân Việt Nam nào khi họ bày tỏ ý kiến, để thảo luận hoặc để chất vấn Chính phủ về các chính sách của chính phủ”.

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từng được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman Hammett năm 2010 dành cho những người cầm bút bảo vệ tự do ngôn luận. Năm 2015, Như Quỳnh được Tổ chức Bảo vệ Quyền Dân sự trao Giải thưởng của năm. Tháng 3/2017, Như Quỳnh tiếp tục được nhận giải Những Người Phụ nữ Quốc tế can đảm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Lưu Giang

Xem thêm: