Trong tổng số hơn 60 tỷ đồng trùng tu khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), Ấn Độ tài trợ hơn 50 tỷ đồng; gần 10 tỷ đồng là vốn đối ứng của Việt Nam.

di san van hoa den thap my son
Quần thể khu đền, tháp Mỹ Sơn. (Ảnh: mysonsanctuary.com.vn)

Nằm cách TP. Đà Nẵng khoảng 70km về hướng Tây Nam, cách TP. Hội An khoảng 40km, khu đền tháp Mỹ Sơn – di sản Văn hóa Thế giới (thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nằm trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ, được chia thành nhiều cụm.

Giữ vai trò quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa – kiến trúc – nghệ thuật thế giới với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa, khu di tích Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa Thế giới từ tháng 12/1999.

Mới đây, ông Phan Hộ – Trưởng Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết nhóm chuyên gia Ấn Độ và cộng sự người Việt Nam đang thực hiện đợt cao điểm khai quật, đưa ra các giải pháp cụ thể để trùng tu khu vực tháp K, tháp H trong vùng lõi của quần thể di sản.

Dự án trùng tu có tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng, trong đó Ấn Độ tài trợ hơn 50 tỷ đồng; gần 10 tỷ đồng là vốn đối ứng của Việt Nam để thực hiện trùng tu các nhóm tháp K, H và tháp A. Theo kế hoạch, việc trùng tu sẽ được thực hiện thành nhiều đợt và kéo dài trong 5 năm.

Trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 5/2017, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam sẽ thực hiện việc khai quật, trùng tu khu tháp K, tháp H. Ở hai khu tháp này, việc trùng tu được thực hiện theo nguyên tắc khai quật đến đâu sẽ trùng tu đến đó để có thể duy trì, phục dựng và trùng tu các giá trị cốt lõi của di sản.

Trưởng Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cũng cho biết thêm trong quá trình khai quật khu tháp H và K để thực hiện các bước trùng tu, các chuyên gia Ấn Độ và cộng sự đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị như hai tượng đá mình người, đầu sư tử, và các hiện vật chóp tháp cùng các chi tiết kiến trúc khác bằng vật liệu đất nung được chôn lấp dưới các chân tháp cổ.

Bước đầu, các hiện vật này được các chuyên gia xác định có niên đại trùng với thời kỳ xây dựng tháp K – tức vào thế kỷ 11 đến thế kỷ 12.

Trước đó, năm 2011, dự án trùng tu tháp E7 của khu di sản cũng được tiến hành. Dự án do Sở VH-TT&DL Quảng Nam làm chủ đầu tư, được Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) thiết kế thi công với tổng kinh phí 9 tỷ đồng dựa trên phương pháp của các chuyên gia Italy. Đến năm 2015, Viện Bảo tồn di tích đã bàn giao tháp E7 cho Ban Quản lý khu di tích.

Hoàng Minh

Xem thêm: