“Người dân phải “lót tay” gần 14,5 triệu đồng/lượt để có giấy tờ nhà đất”. Đây là số liệu khảo sát được Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố trong buổi làm việc với UBND TP. HCM vào ngày 10/8.

“Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2015): Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân” là nghiên cứu được UNDP cùng CECODES và VFF-CRT thực hiện.

Từ năm 2009 tới 2015, đã có gần 75.000 lượt người dân tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia trả lời phỏng vấn trực tiếp với nghiên cứu này để chia sẻ trải nghiệm, đánh giá của mình về hiệu quả quản trị và hành chính công của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh/thành phố đến cấp xã/phường. Riêng trong năm 2015, nghiên cứu đã thu thập ý kiến của 13.955 người.

Theo báo cáo của UNDP, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (viết tắt theo tên tiếng Anh là PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.

Tại buổi làm việc với UBND TP.HCM ngày 10/8, kết quả được công bố cho thấy, đối với chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, giá trị chi phí bồi dưỡng giáo viên/ban giám hiệu trường tiểu học công lập (chi phí ngoài quy định) tại TP.HCM năm 2015 là gần 853.000 đồng/học kỳ, tăng so với năm 2011 ở mức 510.000 đồng/lượt/học kỳ.

Cũng theo kết quả công bố, có hơn 28% người dân TP.HCM tham gia khảo sát cho hay, họ phải trả chi phí “lót tay” để làm xong thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giá trị tiền “lót tay” gần 14,5 triệu đồng/lượt.

Mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân Việt ngày càng tăng

Kết quả khảo sát PAPI cho thấy tính chất “kinh niên” của tình hình tham nhũng ở Việt Nam. Năm 2015 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh so với những năm trước. Đáng chú ý, điểm của Bình Dương giảm đến 30% so với năm 2011 và TP. Hà Nội luôn ở trong nhóm đạt điểm thấp nhất trong 5 năm liên tục.

Đặc biệt, các chỉ tiêu đo mức độ hối lộ, “lót tay”, nhũng nhiễu, vòi vĩnh, “chung chi”, “bồi dưỡng thêm” trong các lĩnh vực giáo dục tiểu học công lập và dịch vụ hành chính công liên quan tới quyền sử dụng đất có xu hướng gia tăng.

Mức gia tăng lớn nhất là ở tỷ lệ người dân cho biết phụ huynh học sinh phải chi “bồi dưỡng” ngoài quy định cho thầy, cô giáo để con em mình được quan tâm hơn ở trường tiểu học công lập. Với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện tuyến huyện/quận/thành phố trực thuộc tỉnh/thành phố, việc chi thêm tiền để được chăm sóc tốt hơn vẫn ở mức cao và nhất quán qua các năm.

Việc phải chi “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được ghi nhận có kết quả khảo sát tăng đột biến. Trong số gần 14.000 người dân được khảo sát, ước tính có khoảng 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2015 phải đưa hối lộ mới làm xong được thủ tục, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ ước tính năm 2014.

Với khảo sát về quyết tâm chống tham nhũng, theo báo cáo, mặc dù tại Kiên Giang, hầu hết người trả lời cho biết họ không bị vòi vĩnh trong năm 2015; hay ở Ninh Bình, gần 57% cho biết chính quyền tỉnh đã nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng (tỉ lệ cao nhất toàn quốc năm 2015), nhưng các số liệu khác cho thấy quyết tâm của người dân trong việc tố giác các hành vi tham nhũng, vòi vĩnh của cán bộ chính quyền có xu hướng suy giảm.

Năm 2015, chỉ khoảng 3% số người bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã tố giác hành vi tham nhũng của chính quyền. Kết quả khảo sát cũng cho thấy mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh, hối lộ của những người trả lời trên toàn quốc lớn hơn rất nhiều so với những năm trước: người bị vòi vĩnh sẽ không tố giác hành vi đòi hối lộ nếu số tiền bị vòi vĩnh chưa lên tới khoảng 24 triệu đồng. Người dân Hải Phòng dường như chịu khuất phục hành vi vòi vĩnh nhất bởi họ chỉ tố giác nếu số tiền lên tới 72 triệu đồng trở lên.

Chỉ số PAPI là một trong những công cụ độc lập đo lường hiệu quả của bộ máy công quyền hiện nay ở Việt Nam. Thời gian qua, chỉ số này ngày càng được nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức trong và ngoài nước tham khảo, sử dụng.

Để truy cập các ấn phẩm báo cáo PAPI qua các năm, hồ sơ PAPI của 63 tỉnh/ thành phố, cùng một số nghiên cứu trường hợp, quyết sách nhằm cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công của chính quyền địa phương và nhiều thông tin cập nhật khác, độc giả có thể tìm hiểu tại trang thông tin điện tử của PAPI tại địa chỉ www.papi.org.vn.

Hải Linh

Xem thêm: