Ngày 7/7, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản trả lời đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) về việc kiểm tra, giám sát Formosa khắc phục các tồn tại, vi phạm về môi trường.

tham hoa formosa, hải sản tầng đáy
Nước thải và khí thải của Formosa đạt quy chuẩn, tiếp tục chờ báo cáo hải sản tầng đáy của Bộ Y tế. (Ảnh: FB Dương Phong)

Theo Chính phủ, nước thải và khí thải phát sinh của Formosa đã đạt quy chuẩn

Dẫn kết quả quan trắc online và giám sát hàng ngày của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), văn bản trả lời của Thủ tướng ghi nhận nước thải và khí thải phát sinh của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Hà Tĩnh (Formosa) đã đạt quy chuẩn.

Theo Thủ tướng, trước đó, Bộ TN&MT đã thành lập Hội đồng kỹ thuật đánh giá việc khắc phục hậu quả vi phạm của Formosa và thành lập Tổ giám sát kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện cam kết khắc phục hậu quả môi trường tại 4 tỉnh miền Trung của Formosa trong 3 năm.

Cụ thể, từ ngày 27/7/2016, Tổ giám sát đã giám sát việc Formosa phối hợp với Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trong việc lấy, phân tích mẫu nước thải hàng ngày trước và sau xử lý của các trạm xử lý nước thải, mẫu nước tại trạm quan trắc online trước khi xả ra biển. Theo Bộ TN&MT, kết quả phân tích các mẫu nước thải sau xử lý của trạm xử lý nước thải công nghiệp trước khi xả ra biển của Formosa đều đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép.

Cũng theo báo cáo, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa 3 trạm kiểm định môi trường di động lắp đặt tại trạm xử lý nước thải công nghiệp của Formosa để giám sát nước thải của công ty trước khi thải ra biển liên tục trong 3 năm.

Tính đến ngày 10/5/2017, Formosa đã hoàn thành các hạng mục công trình xử lý chất thải bổ sung, công trình giám sát, phòng ngừa sự cố môi trường; đã lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động liên tục, có camera theo dõi, giám sát và truyền trực tiếp các số liệu quan trắc nước thải về Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường để kiểm tra, giám sát.

Ngày 29/5/2017, Formosa đã vận hành thử nghiệm Lò cao số 1. Ba ngày sau đó, công ty vận hành thử nghiệm Xưởng luyện thép. Đến ngày 12/6/2017, Formosa đã sản xuất được 1.016 tấn thép thương mại đầu tiên.

Một mẫu hải sản tầng đáy tại Kỳ Anh còn tồn dư phenol, tiếp tục chờ công bố kết luận của Bộ Y tế

Trước đó, chiều ngày 3/7, báo cáo tại phiên họp Chính phủ về việc giám sát hải sản khu vực miền Trung thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết đến nay hải sản tầng nước mặt và tầng trung đã đảm bảo an toàn cho việc khai thác và sử dụng.

Với hải sản tầng đáy, Thứ trưởng cho hay từ tháng 6 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, các chỉ tiêu chất cấm tồn dư liên tục giảm dần, cho đến thời điểm này, 3 chỉ số đo lường là cadimi, xyanua và phenol không giảm nữa.

Cụ thể, với mẫu xét nghiệm gần nhất, các chỉ số chất cấm trong hải sản tầng đáy ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng và Khánh Hòa đều cho thông số giống nhau. Tuy nhiên có một mẫu hải sản tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có chỉ số phenol cao hơn bình thường một chút.

Ông Cường cho hay đối với một số chỉ số, một số nước chỉ quy định về chất cấm mà không quy định về ngưỡng hay tỷ lệ cụ thể. Đối với lượng phenol được phát hiện trong mẫu hải sản tại Kỳ Anh, việc kiểm soát sẽ tiếp tục cần được thực hiện cẩn trọng. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết khu vực biển Kỳ Anh sẽ tiếp tục được kiểm tra, Bộ sẽ họp lại với Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và các viện để sớm công bố về mức độ an toàn của hải sản tầng đáy ở biển miền Trung.

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong vòng 15 ngày tới, Bộ Y tế phải công bố công khai các chỉ số tầng đáy của hải sản 4 tỉnh miền Trung.

Các báo cáo khoa học độc lập góp phần mang đến đánh giá toàn cảnh về biển miền Trung Việt Nam

Ngay sau khi thảm họa môi trường biển 4 tỉnh miền Trung xảy ra vào tháng 4/2016, dự án Phân tích độc lập ô nhiễm biển miền Trung đã ra đời, tập trung vào việc lấy mẫu, phân tích và xử lý dữ liệu, đánh giá chất lượng nước biển, trầm tích và sinh vật bám đáy nhằm mang đến báo cáo độc lập, cung cấp bức tranh khách quan về hiện trạng ô nhiễm.

Với mong muốn chia sẻ những kiến thức và nghiên cứu khoa học giúp sức cho cộng đồng, dự án bao gồm các thành viên làm việc ở nhiều cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước như: Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Viện Hải dương học, Đại học Khoa học Huế, Đại học Princeton, Đại học California, Đại học Arizona, Viện Scripps, Đại học Washington (Mỹ), Đại học Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc), Đại học UMT (Malaysia), Đại học Tohoku (Nhật Bản) cùng với nhiều tình nguyện viên. Dự án đã nhận được số tiền đóng góp 18.630 USD để tiến hành lấy mẫu, phân tích và xử lý số liệu.

Nhóm đã tiến hành nhiều đợt lấy mẫu từ tháng 5 đến tháng 9/2016 tại nhiều địa điểm thuộc Khu công nghiệp Vũng Áng, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế.

Sau gần một năm tiến hành lấy mẫu và gửi tới các viện, trung tâm nghiên cứu, tháng 2/2017, nhóm đã có báo cáo chi tiết về kết quả kim loại nặng, chất hữu cơ bền trong hải sản, sinh vật đáy và trầm tích cùng với kết quả phân tích mẫu sinh vật đáy.

Theo kết quả phân tích ghi nhận từ dự án:

  • Hàm lượng từng kim loại nặng trong 15 mẫu hải sản (thu từ ngày 18/7 đến ngày 20/7/2016) thấp hơn giới hạn cho phép trong tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm;
  • Hàm lượng phenol, xyanua trong 15 mẫu hải sản thấp hơn giới hạn phát hiện của phương pháp phân tích;
  • Hàm lượng chất hữu cơ bền (POPs) trong 2 mẫu cá và 4 mẫu trầm tích thấp hơn giới hạn phát hiện của phương pháp phân tích;
  • Phân tích sinh vật đáy trong 45 mẫu trầm tích cho thấy: 28 mẫu có rất ít sinh vật đáy; 11 mẫu còn lại có tập hợp sinh vật đáy nghèo nàn; 6 mẫu có số lượng và sự đa dạng của sinh vật đáy ở mức thường gặp.

Trên cơ sở các số liệu phân tích, tính đến tháng 2/2017, dự án đưa ra kết luận:

  • Mẫu nước, mẫu trầm tích và mẫu hải sản thu được có hàm lượng kim loại nặng có độc tố cao thấp hơn giới hạn cho phép trong các quy chuẩn Việt Nam. Kết quả này phù hợp với kết luận về nguyên nhân cá chết của Bộ TN&MT: việc xả thải hợp chất của sắt ra môi trường biển làm giảm đột ngột hàm lượng oxy trong nước biển dẫn đến thảm họa hơn 100 tấn cá chết dọc bờ biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế. Nhóm chưa có điều kiện phân tích một vài dạng tồn tại của kim loại có độc tố cực cao như methyl thủy ngân hay asen vô cơ.
  • Phân tích sơ bộ bước đầu chưa thấy có sự tồn lưu của chất hữu cơ bền trong trầm tích và hải sản.
  • Kết quả phân tích về số lượng và sự đa dạng của sinh vật đáy qua hai lần lấy mẫu cho thấy nhiều vùng biển có số lượng và sự đa dạng của sinh vật đáy rất nghèo nàn, chứng tỏ hệ sinh thái biển khu vực này đã bị tổn thương và chưa phục hồi. Nguyên nhân của hiện tượng này cần được nghiên cứu thêm.

Theo nhóm nghiên cứu, những vùng biển này cần được giữ sạch ở mức tối đa để hệ sinh thái được phục hồi. Kết quả phân tích và khảo sát cho thấy với điều kiện không có thêm nguồn ô nhiễm thải ra biển, thời gian phục hồi của hải sản ở vùng biển bị ô nhiễm (gần bờ và ven bờ) là khá lâu, mất từ 2-5 năm để có thể phục hồi tương đối, còn khôi phục hoàn toàn thì phải mất 10-15 năm. Vì vậy cần nghiên cứu kỹ hơn về thời gian phục hồi của hải sản để giúp ngư dân có kế hoạch chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.

Lưu Giang

Xem thêm: