Tôi bay chuyến 8h00, 10h05 đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Lần đầu tiên hai mẹ con đặt chân trên đất Sài Gòn. Nhưng điều lạc lõng trên quê hương, không phải ở sự chuyển dịch không gian, càng không phải ở việc nền nhiệt đột nhiên thay đổi.

Máy bay vừa chạm đường bay, toàn khoang hành khách đột nhiên nhốn nháo. Không phải là sự cố. Không phải có xung đột giữa khách hành hay giữa khách hàng với tiếp viên, hay giữa khách hàng với phi đoàn bay (nếu có). Toàn khoang nhốn nháo. Một người, hai người, năm người, rồi hàng chục người đã tháo dây an toàn, đứng hẳn lên. Ai cũng tranh nhau lấy hành lý! Ngay cả khi máy bay vẫn băng với tốc độ lớn trên đường băng!

Mẹ tôi ngồi bên, nhấp nhổm, rồi nôn nóng, rồi gắt gỏng thật sự: “Lấy đi con, lấy đi không người ta lấy mất… Lấy đi chứ, bị họ lấy mất hành lý bây giờ… Đứng dậy đi, sao chậm thế!”. Tôi ngơ ngác. Mọi người đang tranh nhau điều gì vậy? Máy bay vẫn đang trong tốc độ lớn, nhưng dây an toàn hầu như đã được đã tháo ra. Toàn khoang lúc ấy, hàng mấy chục con người đang dồn cục lại, hành lý không lấy được, tiến không được, lùi càng không. Như một đoạn phim quay chậm. Nữ tiếp viên hàng không chỉ còn thấy mấp máy môi.

10’ sau, khi đám đông nhốn nháo đã đứng dừng vì bất lực, tiếng phóng thanh của cô nữ tiếp viên cất lên nhịp nhàng: “Máy bay đã hạ cánh an toàn. Kính mời quý khách mở khóa an toàn, lần lượt lấy hành lý, chuẩn bị xuống máy bay”.

Giá như lúc ấy vẫn còn dây cần tháo!

Ánh mắt của một vị khách nước ngoài ngồi ghế sau nhìn tôi, tỏ ý như thấu hiểu. Hoặc là tôi đang tưởng vậy. Tâm trí tôi cúi gằm: “Nước tôi còn chưa có văn hóa xếp hàng…

Việc kiên nhẫn và tự nguyện xếp hàng của bất kỳ người Nhật Bản nào gắn liền với ý thức về tính kỷ luật và tôn trọng cộng đồng. (Ảnh qua japan.info.vn)
Đoàn người kiên nhẫn xếp hàng trên một đường phố của Nhật Bản. (Ảnh qua japan.info.vn)

Chợt một suy nghĩ vỡ òa: Chuyến bay từ Bắc vào Nam! Trên chuyến bay phần nhiều là người miền Bắc!

Nhưng, nếu như đã dám đưa ra kết luận ấy, thì ít nhất tôi phải tiếp cận tối thiểu là với các tiếp viên để hỏi rằng “hiện tượng” kỳ lạ này có thường xuyên xảy ra không? Có khác không đối với những chuyến bay từ Nam ra Bắc? Có sự khác biệt giữa những chuyến bay mà người miền Nam, người nước ngoài nhiều hơn người miền Bắc? Tỷ lệ số chuyến nhốn nháo là bao nhiêu? Tỷ lệ số người trên khoang nhốn nháo với số khách còn giữ dây an toàn tới cuối cùng là như thế nào? v.v… Nhưng vì tôi đã không làm, nên cho đến lúc này, tôi vẫn mong mình chỉ là võ đoán.

Bắt taxi ở sân bay trên đất Sài Gòn cũng lạ. Mọi người đứng lần lượt. Xe vào lần lượt. Khách đợi, cửa xe mở, xe sẽ chuyển bánh ra ngoài. Khổ, mẹ con tôi nào có biết. Mẹ tôi chạy đôn đáo, chạy lên đầu điểm đòi bắt xe, rồi lại chạy xuôi xuống vẫy. Bản tính của tôi vẫn chậm chạp vậy, một lần nữa lại nghe mắng. Cuối cùng, với sự nỗ lực xuôi ngược của mẹ, chúng tôi cũng tóm được một chiếc taxi mà mở cửa chui vào. Vẳng đằng sau còn tiếng trách: “Vội chi mà vội ghê vậy? Sao hông chịu xếp hàng…”

Xe khách cũng là một sự lạ. Trời Sài Gòn sao mà nắng. Hai mẹ con chìa vé, chui tọt lên xe, bỏ mặc bác tài đứng loay hoay xem vé của người sau, rồi lại rà lại vé của hai mẹ con nhà này. Giọng người miền Nam nhẫn nại: “Chị chị, ngồi lộn số rồi”. Ra, bài học về văn hóa xếp hàng vẫn còn phải học dù ở bến xe đò.

Rất nhiều câu chuyện về văn hóa xếp hàng hàng năm vẫn được kể, trong nhiều tình huống, trên nhiều đối tượng. Từ bàn tiệc buffet tới điểm du lịch mở cửa miễn phí, từ giành lộc Vu Lan, cướp ấn Đền Trần tới lễ hành hương năm nay tại lễ hội Đền Hùng. Câu chuyện này còn ẩn hiện sau tranh cãi xử phạt khi vượt đèn vàng liệu có đúng (Ông Nguyễn Văn Mỹ, Tổng giám đốc Công ty Lửa Việt, từng viết: Thiên hạ kẹt xe vì quá đông còn người Việt tự tạo ra kẹt xe do chen lấn)…

Còn đối tượng, đáng buồn thay, gần như không chừa một ai. Từ sinh viên tới người trung tuổi, từ các mẹ, các chị tới những anh thanh niên sơ mi, quần âu, từ bậc cha mẹ tới đám con nít, trẻ em. Quan chức thì lại có kiểu xếp hàng theo một cách rất khác. Câu chuyện đoàn xe tháp tùng đi vào đường cấm ở phố cổ Hội An của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hẳn sẽ còn được ghi nhớ, dù lời xin lỗi đã được buông.

Hình ảnh chen lấn khủng khiếp trong lễ dâng hương bái Tổ tại đền Hùng tháng 4/2016. (Ảnh: Sưu tầm)
Khi sự ích kỷ chiến thắng thì không còn chỗ cho kỷ luật và công bằng. Giá trị cộng đồng cũng trở thành điều thứ cấp. Trong ảnh, hình ảnh chen lấn khủng khiếp trong lễ dâng hương bái Tổ tại Đền Hùng, tháng 4/2016. (Ảnh: Sưu tầm)

Họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng điểm yếu của văn hóa Việt Nam là… “thiếu văn hóa”. Văn hóa, theo cách lý giải của ông, “ở bề mặt cuộc sống là đạo đức ứng xử, ở hoạt động thượng tầng là chiều sâu của các giá trị nghệ thuật và sự an lành tôn giáo, ở một nhà nước cấp tiến”. Còn nội hàm của văn hóa nằm ở giá trị thiện và ác. Khi cái thế cân bằng thiện – ác mà xã hội nào cũng cần giữ cho kỳ được bị cái ác lấn lướt, thì chính là khi ấy, văn hóa xuống dốc.

Mạnh được yếu thua. Nhanh chân là kẻ thắng. Phần nhiều chính là phần hơn. Dù cho có phải dẫm đạp ai dưới chân. Khi sự ích kỷ chiến thắng thì không còn chỗ cho kỷ luật và công bằng. Giá trị cộng đồng cũng trở thành điều thứ cấp. Càng nhiều những điều lộn ngược như thế thì văn hóa càng tụt dốc, xã hội càng bất an. Sự bất an đến lượt mình lại kéo xã hội tuột dốc nhanh hơn.

Ký ức của những người thế hệ 5X, 6X trở lại với hình ảnh đoàn người xếp hàng thời bao cấp. Mua lương thực: xếp hàng. Mua vé xe: xếp hàng. Mua vải, xà bông: cũng xếp hàng. Dép, gạch trở thành thứ đồ thần thánh trong thời ấy. Vì một viên gạch giữ lốt có thể giúp mang về được mấy ký gạo trong cái đói nhóc nheo.

Nhắc lại thời khốn khổ ấy, và nhắc lại thời ồn ã hiện nay để thấy, không phải vì đã đầy đủ hơn mà người ta có kỷ luật, cũng không phải khi tính dân chủ được cởi mở thì người ta biết xếp hàng. Đoàn người rồng rắn xếp hàng vào thời bao cấp cũng không gợi lên tính kỷ luật của một xã hội văn minh. Luật vô hình của nguyên tắc bình quân khiến người ta cam chịu. Đoàn người lầm lũi đến xếp hàng từ nửa đêm, tới lượt, hết gạo, chỉ biết buồn bực bấm bụng rằng sáng hôm sau phải đi từ sớm.

Mạc Ngôn, nhà văn xuất thân nông dân nổi tiếng của Trung Quốc, trong một bài viết kể về những hồi ức thời cái đói bao trùm toàn xã hội Trung Quốc đã thành thật thú nhận rằng cái ký ức đói hãi hùng từ thuở 5 tuổi, triền miên đến trên dưới 30 năm làm định hình nên cái tính tợn ăn, ăn đến hung ác, “ăn nhiều, ăn nhanh, giống như là sói” của ông, ngay cả khi tâm trí đã thừa mứa.

Đoàn người, ít thì hàng chục, nhiều thì lên tới hàng trăm, hàng nghìn người, vẫn không ngừng la hét, chen lấn, xô đẩy trong bất cứ một hoạt động cộng đồng nào, liệu chăng có liên quan gì tới một ký ức nào đó, không vui của một thời kỳ của quốc gia? Vì sao nước ta, thường được dạy “rừng vàng, biển bạc”, mà sự tranh cướp luôn diễn ra chán chê, còn xứ người ngập chìm trong thiên tai thì họ biết nhẫn nại, chờ đợi? Liệu có chút liên hệ nào giữa ký ức về ‘luật’ bình quân xa xưa với thời đại mà cái ác lại làm trọng trên cán cân?

Cướp hoa tre dẫn đến xô xát ở đền Gióng, (Sóc Sơn, Hà Nội) năm 2014. (Ảnh: doisongphapluat.com)
Cướp hoa tre dẫn đến xô xát ở đền Gióng, (Sóc Sơn, Hà Nội) năm 2014. (Ảnh: doisongphapluat.com)

Nhưng, thật may khi có những điều không cần câu trả lời thì mới có thể thay đổi. Để trong khi chờ đợi lời lý giải, người ta vẫn có thể sửa chữa hành vi. Như mẹ tôi, lần tới vào Sài Gòn, hẳn nhiên sẽ không vồn vã tháo dây an toàn, nôn nóng lấy cho kỳ được hành lý trước khi nghe được hướng dẫn an toàn. Bà hẳn cũng sẽ không giành taxi với người khác, và rồi cũng sẽ ghi nhớ lên xe khách Sài Gòn là cần phải ngồi đúng số. Nhà bên, một bác vừa đi Singapore về đang hoa chân múa tay kể về hệ thống giao thông quy củ tuyệt vời bên bển. Do đó, trong cơn bối rối trên quê hương, tôi vẫn nuôi niềm tin rằng không phải vì người ta không thể sống văn minh, chỉ là vì người ta chưa được “học” cách sống cho văn minh mà thôi. Trong con mắt của vị khách quốc tế ngày nọ, liệu chúng ta có đang tự biến mình thành những đám đông “vô hình” trong thế giới của xã hội văn minh?

Lê Trai

Xem thêm: