Đây là một trong những quy định mới được đưa ra trong dự thảo Nghị định Quy định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục được Bộ GD-ĐT công bố.

truong dai hoc co von dau tu nuoc ngoai
(Ảnh minh họa: qua uef.edu.vn)

Theo đó, dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học đầu tư nước ngoài phải có tổng vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường), vốn đầu tư được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.

Về đội ngũ giáo viên tại cơ sở giáo dục đại học, theo dự thảo:

Giảng viên ít nhất phải có trình độ thạc sĩ trở lên trong đó tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ không ít hơn 50% tổng số giảng viên của cơ sở (trừ những ngành đào tạo đặc thù do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét quyết định);

Tỷ lệ sinh viên/giảng viên tối đa là 10 sinh viên/giảng viên đối với các ngành đào tạo năng khiếu, 15 sinh viên/giảng viên đối với các ngành đào tạo khoa học kỹ thuật và công nghệ, 25 sinh viên/giảng viên đối với các ngành đào tạo khoa học xã hội, nhân văn và kinh tế – quản trị kinh doanh;

Cơ sở phải có đủ số lượng giảng viên cơ hữu để đảm nhận ít nhất 60% khối lượng chương trình của mỗi ngành, nghề đào tạo.

Dự thảo cũng yêu cầu giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài ít nhất phải có 5 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy.

truong dai hoc co von dau tu nuoc ngoai 2 rmit
RMIT Việt Nam – một trong những trường ĐH nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam, thu hút khoảng 6.000 sinh viên tại hai cơ sở Nam Sài Gòn và Hà Nội năm 2016. (Ảnh: qua consulus.vn)

>> Gần 700 triệu USD theo dòng du học sinh Việt Nam ‘chảy’ vào nền kinh tế Hoa Kỳ

Trước đó, theo Nghị định 73/2012/NĐ-CP, yêu cầu vốn đầu tư đối với dự án thành lập cơ sở giáo dục ĐH là phải có suất đầu tư ít nhất là 150 triệu đồng/sinh viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất); Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất, nhưng không thấp hơn 300 tỷ đồng.

Về yêu cầu giáo viên giảng dạy hệ đại học, theo Nghị định 72:

  • Đối với liên kết đào tạo trình độ cao đẳng, giảng viên ít nhất phải có bằng tốt nghiệp đại học phù hợp với chuyên ngành giảng dạy;
  • Đối với liên kết đào tạo trình độ đại học, giảng viên ít nhất phải có bằng thạc sĩ phù hợp với chuyên ngành giảng dạy;
  • Đối với liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ, giảng viên giảng dạy các môn học, chuyên đề, hướng dẫn luận văn thạc sĩ và tham gia Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ ít nhất phải có bằng tiến sĩ; giảng viên hướng dẫn thực hành, thực tập, giảng dạy ngoại ngữ ít nhất phải có bằng thạc sĩ;
  • Đối với liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ, giảng viên ít nhất phải có bằng tiến sĩ ở chuyên ngành hoặc ngành phù hợp với học phần sẽ đảm nhiệm trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch&Đầu tư), số lượng và nguồn vốn trong các dự án cơ sở giáo dục có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tăng dần.

Tính đến hết tháng 2/2013, lĩnh vực GD-ĐT của Việt Nam thu hút 170 dự án FDI (tổng số vốn đăng ký hơn 468 triệu USD), tuy nhiên, trong đó chỉ có 3 dự án cơ sở giáo dục đại học, với tổng vốn đầu tư 57 triệu USD. Các dự án chủ yếu tập trung ở 3 thành phố lớn là: Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Tính đến ngày 15/12/2014, Việt Nam có 204 dự án FDI còn hiệu lực đầu tư vào ngành GD-ĐT, với tổng vốn đăng ký 825,5 triệu USD. Các dự án mở rộng hoạt động sang một số tỉnh thành khác như: Vĩnh Phúc, Bình Định, Khánh Hòa, Hưng Yên,…

Tính đến ngày 20/5/2015, Việt Nam có 213 dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục, tổng vốn đăng ký 822 triệu USD.

Tính đến 13/6/2016, Việt Nam thu hút được hơn 735 triệu USD với 276 dự án về GD-ĐT. Mỹ là quốc gia dẫn đầu về đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam với 179,3 triệu USD, Nhật Bản đứng thứ 2 với 98,37 triệu USD, Singapore 80,42 triệu USD,…

Ngọc Linh

Xem thêm: