Chiều 20/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự 2015 với 434/457 đại biểu tán thành, 19 đại biểu không tán thành, 4 người không biểu quyết.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng về nguyên tắc, người bào chữa có nghĩa vụ bình đẳng như mọi công dân khác trong việc tố giác tội phạm. (Ảnh minh họa: iStockphoto))
Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng về nguyên tắc, người bào chữa có nghĩa vụ bình đẳng như mọi công dân khác trong việc tố giác tội phạm. (Ảnh minh họa: iStockphoto)

Như vậy, với tỷ lệ phiếu tán thành 88,39%, Luật sửa đổi, bổ sung, toàn bộ các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018.

Ba điều luật được QH biểu quyết thông qua gồm:

– Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 – Trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi của BLHS năm 2015 (khoản 3 Điều 1 của dự thảo Luật);

– Sửa đổi, bổ sung Điều 19 – Không tố giác tội phạm của BLHS năm 2015 (khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật);

– Bổ sung Điều 217a – Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (khoản 51 Điều 1 của dự thảo Luật).

Riêng việc sửa đổi, bổ sung điều 19 (Không tố giác tội phạm) được 415/459 đại biểu tán thành (84,52%); 39 đại biểu không tán thành và 5 đại biểu không biểu quyết.

Trước khi thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình một số nội dung dự thảo luật. Đố i với nội dung dự thảo luật sư phải tố giác thân chủ gây tranh cãi, báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho biết về nguyên tắc, với tư cách là công dân, người bào chữa có nghĩa vụ bình đẳng như mọi công dân khác trong việc tố giác tội phạm. Nguyên tắc này đã được Hiến pháp ghi nhận và được thể chế hóa trong các luật về tư pháp từ trước đến nay.

Theo báo cáo, trong hơn 30 năm (1985 – 2015), chính sách của nhà nước về trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của người bào chữa được xác định như mọi công dân khác.

Vì thế, khi thông qua Bộ luật hình sự 2015, Quốc hội đã điều chỉnh hợp lý hơn chính sách này theo hướng thu hẹp một phần phạm vi trách nhiệm hình sự của người bào chữa so với công dân khác trong việc không tố giác tội phạm.

Việc Nhà nước không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng nên trong một số trường hợp người bào chữa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của chính người mà mình bào chữa”, báo cáo giải trình khẳng định.

Sau khi tiếp thu một phần ý kiến của đại biểu, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy ban Thường vụ chỉnh lý điều luật theo hướng thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm.

Cụ thể, khoản 3 điều 19 quy định: “Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa“.

Ủy ban Thường vụ cho rằng chính sách này phù hợp với quy định của Luật Luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam và phù hợp với luật pháp của nhiều nước như Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Canada, Tây Ban Nha…

Trước đó, trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị 2 phương án.

Phương án 1: Chỉ quy định trách nhiệm hình sự của người bào chữa trong trường hợp “không tiết lộ thông tin về tội phạm do chính người mà mình bào chữa thực hiện đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Điều 108 (Tội phản bội Tổ quốc), Điều 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 112 (Tội bạo loạn), Điều 113 (Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân) và Điều 123 (Tội giết người) khi có căn cứ rõ ràng cho thấy tội phạm đó đang thực hiện hoặc đang chuẩn bị thực hiện mà cần thiết phải ngăn chặn hậu quả xảy ra”.

Phương án 2: Đề nghị bỏ khoản 3 điều 19 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hai phương án khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập hợp ý kiến gồm:

Đề nghị giữ phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa như BLHS 2015 để bảo đảm nhất quán về chính sách hình sự của Nhà nước, tăng cường trách nhiệm công dân của người bào chữa trong việc đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng. (Phương án 3)

Đề xuất quy định chính sách đối với người bào chữa tương tự như chính sách đối với ông, bà, cha, mẹ, anh chị em ruột… của người phạm tội quy định tại BLHS 2015. (Phương án 4)

Chiều cùng ngày, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13.

Các Bộ luật và luật nói trên có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Vĩnh Long

Xem thêm: