13 tổ chức xã hội mong muốn gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ ngành và các cá nhân liên quan bản kiến nghị với 5 nội dung về việc cấp phép nhận chìm chất thải nạo vét luồng lạch của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận).

khu bao ton thien nhien hon cau
Việc nhận chìm chất thải sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hệ sinh thái biển Bình Thuận, đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Cau cũng như an sinh môi trường biển và sinh kế của ngư dân? (Ảnh: FB Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau)

Bản kiến nghị được thực hiện bởi 13 tổ chức hoạt động xã hội, cộng đồng tại Việt Nam, mong muốn gửi tới người đứng đầu Chính phủ – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận,… những quan ngại và đề xuất giải pháp đối với việc quản lý chất thải của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân nói riêng và phát triển nhiệt điện than nói chung ở Việt Nam.

Bản kiến nghị cho hay nhiều nhà khoa học, hiệp hội, người dân, các cá nhân và tổ chức trong cả nước đã có ý kiến, bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về quyết định cho phép nhận chìm 918.533 m3 vật chất nạo vét của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận) theo Giấy phép số 1517 của Bộ TN&MT.

Theo bản kiến nghị, hiện tại, những thông tin từ các cơ quan chức năng về tác động của việc nhận chìm chất thải tới hệ sinh thái biển Bình Thuận, đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Cau cũng như an sinh môi trường biển và sinh kế của ngư dân phụ thuộc vào hệ sinh thái này vẫn chưa tạo được sự đồng thuận cũng như tin tưởng của công luận và các nhà khoa học. Nhiều câu hỏi đặt ra vẫn chưa có giải đáp thỏa đáng như: mức độ tổn thương của hệ sinh thái vùng đổ thải, khả năng chịu tải của môi trường biển nơi này, tác động kinh tế – xã hội, phương pháp nhấn chìm, tính tin cậy của mô hình được sử dụng, ý kiến của các thành viên trong hội đồng thẩm định, các phương án thay thế, việc tiếp cận kết quả quan trắc, giám sát quá trình thực hiện, phương án đền bù, trách nhiệm giải trình của các bên liên quan,…

Cũng theo nội dung bản kiến nghị, thông tin EVN GENCO 3 đang xúc tiến xin phép đổ 2,4 triệu m3 chất thải nạo vét cùng trên vùng biển này càng khiến các bên quan tâm lo ngại hơn.

Theo các tổ chức hoạt động xã hội, những lo ngại của cộng đồng là có cơ sở và đáng để lưu tâm bởi trước đó Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đã thu hút sự chú ý của dư luận do các sự cố xảy ra trong quá khứ với ô nhiễm bụi than nghiêm trọng từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vào tháng 4/2015, sự cố nổ lớn ở Vĩnh Tân 4 vào tháng 3/2017 và hiện tượng 40 ha cây trồng gần bãi thải xỉ của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân chết cũng vào tháng 3/2017 vẫn đang trong quá trình xác định nguyên nhân.

Các tổ chức hoạt động xã hội cho rằng đây là lần đầu tiên việc nhận chìm chất thải của các dự án nhiệt điện được cấp phép, vì vậy việc cấp phép cần được tiến hành một cách cẩn trọng dựa trên các căn cứ khoa học và sự đồng thuận giữa các bên, tránh tạo tiền lệ xấu cho các dự án khác; đồng thời hoạt động này có thể gây ra những hệ lụy không thể lường trước ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái vùng biển Việt Nam. Theo các tổ chức, sự cố môi trường biển miền Trung đã trở thành một bài học đắt giá và đòi hỏi sự thận trọng đối với việc ra quyết định cũng như lựa chọn của Chính phủ “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi giá”.

khu bao ton thien nhien hon cau 3
Hòn Cau – Bãi đẻ của rùa biển cần bảo vệ. (Ảnh: FB IUCN Vietnam Sea turtle Volunteer group)

Bản kiến nghị cũng đề cập tới hướng phát triển nhiệt điện than nói chung ở Việt Nam.

Theo nhóm các tổ chức hoạt động xã hội, nhiệt điện than không nên là lựa chọn duy nhất để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vì việc chấp nhận phát triển thêm khoảng 40 nhà máy nhiệt điện than mới đồng nghĩa với việc quốc gia sẽ chấp nhận việc cả Chính phủ và người dân sẽ tiếp tục phải dành tâm sức trong vòng 40-50 năm tới để giải quyết vấn nạn chất thải, những nguy cơ về ô nhiễm không khí, nguồn nước, ô nhiễm biển; các tác động nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân; những mất mát, tổn hại đến hệ sinh thái và sinh kế của người dân; ngành kinh tế thủy sản, kinh tế biển, và du lịch. Những chi phí này hiện chưa được tính vào giá thành của nhiệt điện than mà trên thực tế cả Chính phủ và người dân đã, đang và sẽ phải chi trả.

Trong khi đó, với tốc độ giảm giá và đầu tư mạnh, năng lượng tái tạo đang trở thành xu thế mới của thế giới. Tới năm 2040, chi phí sản xuất điện quy dẫn của điện mặt trời được dự báo sẽ giảm 66%, điện gió trên bờ giảm 47%, và điện gió xa bờ giảm 71%. Hơn nữa, 72% trong số 10,2 nghìn tỷ đô la đầu tư cho sản xuất điện toàn cầu tính đến năm 2040 sẽ được dành cho năng lượng tái tạo. Trong bối cảnh đó, bản kiến nghị chỉ ra rằng Việt Nam có cơ hội rất lớn để không phụ thuộc vào nhiệt điện than mà vẫn đảm bảo an ninh năng lượng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và chuyển hướng sang phát triển Xanh.

Trên cơ sở chỉ ra những lo ngại về việc cấp phép nhận chìm vật chất nạo vét luồng lạch của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân và việc phát triển nhiệt điện than tại Việt Nam, các tổ chức hoạt động xã hội mong muốn gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương bản kiến nghị với 5 nội dung:

  1. Tạm dừng hoạt động nhận chìm chất thải nạo vét của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 để nghiên cứu, xem xét ý kiến đề xuất của các bên quan tâm, đặc biệt cần ưu tiên tìm phương án thay thế việc nhận chìm.
  2. Công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường, các số liệu nền về hiện trạng môi trường, kết quả kiểm nghiệm thành phần có trong chất thải nạo vét, và ý kiến nhận xét của các thành viên hội đồng thẩm định để các bên quan tâm có thể tham gia góp ý và giám sát hiệu quả.
  3. Tạo diễn đàn trao đổi mở về tác động môi trường và xử lý chất thải nhiệt điện than để các bên quan tâm được tham gia đóng góp ý kiến và giải pháp.
  4. Chính phủ cần rà soát đánh giá tác động tổng thể về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng của kế hoạch phát triển các trung tâm nhiệt điện than, tạm ngưng xây dựng các dự án nhiệt điện than mới đồng thời xem xét điều chỉnh lại quy hoạch phát triển điện với ưu tiên giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than, đẩy nhanh việc thực hiện đồng bộ các chính sách về thị trường cạnh tranh và thu hút đầu tư phát triển điện tái tạo như từ gió, mặt trời và các nguồn năng lượng mới khác thân thiện với môi trường.
  5. Quốc hội cần đưa vấn đề phát triển nhiệt điện than và các tác động đối với kinh tế, xã hội, môi trường vào chương trình giám sát của Quốc hội nhằm tăng cường vai trò và trách nhiệm giám sát tại địa phương của Đại biểu quốc hội và cơ quan dân cử địa phương.
Danh sách 13 tổ chức tham gia kiến nghị:
  • Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)
  • Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN)
  • Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG)
  • Mạng lưới các tổ chức hoạt động vì bình đẳng giới và phát triển cộng đồng (Gencomnet)
  • Nhóm hợp tác thúc đẩy quản trị và cải cách hành chính công (GPAR)
  • Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN)
  • Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VNGO-FLEGT)
  • Liên minh Truyền thông và Quyền của nhóm dễ bị tổn thương (RiM)
  • Không gian nhân quyền
  • Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES)
  • Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA)
  • Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD)
  • Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD)

Hải Linh (Theo Wakeitup)

Xem thêm: