Theo điều chỉnh mới, tổng diện tích Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ tăng từ 18.611,8 ha lên 106.000 ha, gần gấp 6 lần dù khu vực này tồn tại nhiều bất cập, sai phạm trong thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt việc điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ bao gồm toàn bộ diện tích Khu kinh tế Nghi Sơn cũ 18.611,8 ha, thêm mới 66.497,57 ha đất liền và đảo, 39.502,43 ha mặt nước. Tổng diện tích theo điều chỉnh mới lên tới 106.000 ha.

Về địa giới hành chính, phạm vi nghiên cứu Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ bao gồm thêm phần diện tích còn lại của huyện Tĩnh Gia, 3 xã Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính (thuộc huyện Nông Cống) và 3 xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc (thuộc huyện Như Thanh).

Cá chết nghi sơn
Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ tăng diện tích gấp gần 6 lần quy mô hiện nay. Hình ảnh: bản đồ quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn năm 2006. (Nguồn: nghison.gov.vn)

Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng Nghi Sơn thành một khu vực phát triển công nghiệp tổng hợp, gắn với việc xây dựng và khai thác cảng biển nước sâu. Trọng tâm là công nghiệp lọc – hóa dầu và công nghiệp cơ bản như công nghiệp hóa chất sau lọc hóa dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, sửa chữa và đóng mới tàu biển, công nghiệp điện…

Trong chiến lược phát triển quốc gia, Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm mục đích phát triển cho khu vực kém phát triển Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An, và cho các tỉnh phía Bắc Việt Nam nói chung, trên cơ sở tận dụng lợi thế quốc lộ 1A, đường sắt Bắc-Nam, và hệ thống cảng Nghi Sơn.

Diện tích khi thành lập vào giữa năm 2006 là 18.611,8 ha, bao trùm 12 xã của huyện Tĩnh Gia là Xuân Lâm, Tĩnh Hải, Hải Yến, Mai Lâm, Hải Thượng, Hải Hà, Nghi Sơn, Trúc Lâm, Trường Lâm, Tùng Lâm, Tân Trường, và Hải Bình.

Từ hiện tượng cá chết tới nguy cơ thiếu nước, ‘phá’ đường

Trong nhiều năm qua, tại khu kinh tế này liên tiếp xảy ra nhiều bất cập, sai phạm.

Tháng 9/2016, tại vùng biển Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia xảy ra hiện tượng cá tự nhiên và cá lồng chết bất thường với số lượng lớn. Cá tự nhiên chết dạt vào bờ khoảng 200kg (khối lượng thu gom). Cá nuôi chết khoảng gần 50 tấn (theo thống kê sơ bộ), 21 hộ dân bị thiệt hại ước tính gần 8 tỷ đồng.

UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định nguyên nhân khiến cá chết bất thường tại Nghi Sơn là do hiện tượng thủy triều đỏ (tảo nở hoa).

Là vùng kinh tế nằm trong khu vực, điều đáng quan tâm là Khu kinh tế Nghi Sơn có 67 cơ sở sản xuất nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nguồn nước từ các nhà máy này chủ yếu được doanh nghiệp xử lý trong hệ thống nội bộ, sau đó xả ra môi trường.

cá chết nghi sơn
Vịnh đảo Ngọc (thuộc xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) – khu vực xảy ra hiện tượng cá lồng chết hàng loạt. (Ảnh: baothanhhoa.vn)

Hiện khu kinh tế rộng lớn Nghi Sơn mới có một nhà máy nước duy nhất là Cty Bình Minh với công suất tối đa 30.000m3/ngày đêm. Chỉ riêng đối với Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (dự kiến chạy thử vào tháng 4/2017), Cty Bình Minh mới cấp cho Nhà máy Lọc hóa dầu (giai đoạn xây dựng) là 15.000m3/ngày đêm, nhưng có những thời điểm không cấp đủ nước.

Theo cam kết, khi dự án lọc dầu đi vào hoạt động, thể tích nước đã qua xử lý phải cấp là 30.000m3/ngày đêm. Nếu không thực hiện được cam kết, phía Việt Nam sẽ phải chịu phạt tới 24,5 triệu USD/ngày cho các tổn thất thương mại, kỹ thuật, nhân lực liên quan đến việc dừng hoạt động nhà máy.

Việc chỉ có duy nhất một nhà máy nước sạch công suất 30.000m3/ngày đêm tại Khu kinh tế Nghi Sơn để cấp nước cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và 40 khách hàng khác là điều “không tưởng”.

Hiện tỉnh đang gấp rút giải phóng mặt bằng và thi công nước rút cho dự án cấp nước thô Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 2) nhằm nâng công suất nhà máy nước lên 90.000m3/ngày đêm. Mục tiêu đến ngày 5/4/2017, dự án phải chạy thử, vận hành.

Trước đó, dự án cấp nước thô giai đoạn 1 đã mất tới 4 năm thi công và liên tục đội vốn đầu tư từ ngân sách (từ 85 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng). Nhưng khi vừa chạy thử thì đường ống nứt vỡ, rò rỉ mối nối.v.v… Mất thêm 49 tỷ đồng để thay ống cốt sợi thuỷ tinh sang ống thép, nhưng 5 năm trôi qua, không có ai bị xử lý trách nhiệm.

cá chết nghi sơn
Quy mô dự án Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn. (Ảnh: phateco.com)

Tháng 8, tháng 9/2016, bức xúc trước tình trạng nhiều xe tải hạng nặng chở than, clinker… ra vào Cảng ở Khu kinh tế Nghi Sơn khiến đường bị cày nát, ô nhiễm môi trường do bụi mù mịt, hàng chục hộ dân tại xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia đã mang các vật dụng như bê tông, cột luồng ra chắn ngang đường.

Theo phản ánh của người dân, hàng ngày xe qua lại trên tuyến Tỉnh lộ 513 hàng nghìn lượt, đều là những xe tải hạng nặng, gây bụi bặm vào mùa nắng, bùn lầy vào mùa mưa, đường bị phá hỏng, nhà bị rung lắc, ồn ào, mất an toàn giao thông v.v… Do đường hỏng, bụi than, clinker bán đen kịt nên người dân buộc phải đóng cửa cả ngày, không thể buôn bán, sinh hoạt.

Chủ tịch UBND xã Hải Thượng cho biết những xe gây ô nhiễm chủ yếu là của Công ty Cảng Đại Dương, Công ty Than Thanh Hóa, Nhà máy Xi măng Công Thanh… Dù trước đó, nhiều hộ dân hai bên tỉnh lộ 513 của thôn Nam Hải đã có đơn kiến nghị, gửi tới UBND xã Hải Thượng “kêu cứu” song tình trạng vẫn không thay đổi.

Vĩnh Long

Xem thêm: