Thông tin do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình – Trưởng Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường biển, ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung cho biết vào sáng 17/10. 

formosa
Dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương (KKT Vũng Áng, Hà Tĩnh). (Ảnh: kkthatinh.gov.vn)

Báo cáo tại phiên họp lần thứ 10, Bộ NN&PTNT – cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cho biết tính đến ngày 4/10, các tỉnh đã chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân 6.193 tỷ đồng (tương đương 97,4% số tiền thiệt hại, 94,1% so với số tiền tạm cấp).

Hiện còn 3 tỉnh chưa hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường. Theo Bộ NN&PTNT, việc chưa hoàn thành do người dân không có mặt tại địa phương và một số người còn khiếu nại chờ giải quyết.

Tổng số tiền Formosa bồi thường là 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD), gồm cả bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và bồi thường xử lý môi trường biển.

Phải nói số đền bù chúng tôi đặt ra 500 triệu USD là rất nhỏ, vì ở đây mới tính thiệt hại kinh tế trực tiếp của người dân, thông qua sơ bộ đánh giá trực tiếp. Còn thiệt hại lớn hơn nhiều như tổn thương tâm lý, các hệ lụy khác...” – Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, tháng 6/2016.

Tính đến ngày 10/10, khối lượng hải sản tồn kho theo báo cáo của các tỉnh là 12.223 tấn, tăng 6.855 tấn so với số liệu của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT thực hiện kiểm đếm, xét nghiệm vào tháng 11/2016 là 5.368 tấn.

Bốn tỉnh bị thiệt hại đề xuất nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới khu neo đậu tránh trú bão, cảng, bến cá, chợ cá, nạo vét luồng lạch, đường dân sinh ra biển, đường giao thông ra khu sản xuất, hạ tầng khu chế biến thuỷ sản tập trung, công trình thuỷ lợi, kênh mương xử lý môi trường…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nêu rõ về cơ bản đã hoàn thành việc bồi thường, các dự án đang được triển khai, chỉ còn 3% chi trả bồi thường chưa xong vì lý do khách quan.

Đối với số hải sản lưu kho tăng thêm, phó thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ rõ Bộ Y tế đã vào lấy mẫu kiểm nghiệm và chốt số lượng hải sản tồn kho.

Đến nay các tỉnh lại báo cáo tăng thêm hải sản tồn kho thuộc diện bồi thường, hỗ trợ dù các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ. Chúng ta kiên quyết không mở rộng đối tượng được chi trả, nếu địa phương tự động ghi thêm, khai thêm đối tượng thì địa phương phải tự bỏ tiền chi trả“.

Theo Phó Thủ tướng, việc bồi thường và hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển gây ra phải xây dựng trên cơ sở hải sản còn lưu kho, có hoá đơn và chứng từ, các chứng cứ khác. Trường hợp được bồi thường phải đưa ra cộng đồng dân cư cùng với sự xác nhận của chính quyền cơ sở, các đoàn thể, tiêu chí “phải công khai, minh bạch“.

Về tiến độ thực hiện, ông Trương Hoà Bình yêu cầu các tỉnh hoàn thành dứt điểm việc chi trả trong tháng 11/2017. Đến thời điểm kết thúc mà chưa chi trả xong thì gửi ngân hàng để khi người dân trở về thì chi trả.

Về thông tin bảo vệ môi trường biển, Phó Thủ tướng cho biết các bộ ngành và địa phương phải tập trung giám sát để Công ty Formosa thực hiện đúng các cam kết trong quá trình sản xuất.

Tròn một năm sau thảm họa ô nhiễm môi trường biển do Formosa – đầu tháng 4/2017, đoàn công tác của Bộ TN-MT cho biết Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm, còn lại một hạng mục từ dập cốc ướt sang dập cốc khô theo lộ trình sẽ hoàn thành vào năm 2019. Đoàn công tác đánh giá Formosa đã đáp ứng được các yêu cầu để cho phép lò cao số 1 đi vào vận hành.

Ngày 10/5/2017, thông tin công bố Hội đồng liên ngành gồm 11 Bộ ngành, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các nhà khoa học đi tới kết luận cho phép Công ty Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 1.

Trước đó, ngày 11/7/2016, Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết trong số 53 vi phạm bị phát hiện, nguy hiểm nhất là việc Formosa tự ý thay đổi công nghệ luyện cốc.

Năm 2017, Chính phủ giữ chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% trong đó có giải pháp thúc đẩy quá trình đưa Formosa vào hoạt động.

Vĩnh Long

Xem thêm: