Theo thống kê, tỉnh Khánh Hòa có 40 người chết; 98.993 căn nhà sập, tốc mái; 241.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, … Thiệt hại ban đầu ước tính 7.000 tỷ đồng.

thiet hai khanh hoa baokhanhoa.com .vn
Khánh Hòa là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề sau bão số 12. (Ảnh: baokhanhhoa.com.vn)

Ngày 7/11, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tỉnh Khánh Hòa có 40 người chết, trong đó huyện Vạn Ninh: 17 người; thị xã Ninh Hòa: 17 người; TP. Nha Trang: 2 người; huyện Diên Khánh: 3 người; TP. Cam Ranh: 1 người. Ngoài ra, còn có 138 người bị thương.

Thống kê mới nhất, toàn tỉnh có 993 căn nhà bị sập hoàn toàn và gần 98.000 căn hư hỏng, tốc mái; hơn 25.000 ha hoa màu các loại bị ngập, hư hại; hơn 241.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; hơn 1.000 ha ao đìa, 24.320 lồng bè tôm hùm, cá bị trôi hoàn toàn; chìm hỏng hơn 1.140 chiếc tàu, thuyền; đổ gãy trên 720 trụ điện, hư hỏng 50 trạm biến thế.

45 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện bị hư hỏng về hạ tầng và trang thiết bị khám, chữa bệnh; hầu hết trạm y tế và trường học bị tốc mái, đổ tường, tập trung ở các huyện: Vạn Ninh, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa và TP. Nha Trang… Tổng thiệt hại ước tính hơn 7.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp thiệt hại nặng nề

Sau bão, các doanh nghiệp thuộc: Khu du lịch Vinpearl, Khu du lịch Merperle Hòn Tằm, Khu du lịch Diamond Bay, Nhà máy thuốc lá Khatoco, Công ty Yến Sào Khánh Hòa, Nhà máy tàu biển Huyndai Vinashin (HVS), Xí nghiệp may Khatoco,… bị thiệt hại nặng nề.

Tại Xí nghiệp may Khatoco, toàn bộ diện tích 10.000 m2 của 2 nhà xưởng đều bị tốc mái hoàn toàn, thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng. Thiệt hại về nguyên vật liệu, phụ kiện may ước khoảng 20 tỷ đồng, có 1.500 máy của 14 dây chuyền sản xuất bị hư hỏng.

Theo ông Lê Văn Hùng – Giám đốc Xí nghiệp may Khatoco, công tác khắc phục hậu quả dự kiến mất 45 ngày. “Hiện chúng tôi đang có một số đơn hàng xuất khẩu, nhưng tình hình thiệt hại như thế này khó có thể hoàn thành được. Điều đáng quan tâm là việc 1.100 công nhân của xí nghiệp phải nghỉ việc tạm thời trong một thời gian dài nên chưa biết giải quyết chế độ thế nào”, ông Hùng nói.

Tại Nhà máy thuốc lá Khatoco, các nhà xưởng, kho chứa nguyên liệu đều trong cảnh ngổn ngang, có 3.000 m2 mái tôn bị tốc, hàng hóa, nguyên liệu bị ướt, thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng.

Khu du lịch Merperle Hòn Tằm bị thiệt hại nặng về bờ kè chắn sóng, một số căn villa bị tốc mái, hư hỏng nặng… ước tính thiệt hại khoảng 47,7 tỷ đồng.

Khu du lịch Diamond Bay có nhiều hạng mục bị thiệt hại nghiêm trọng, ước tính tổng thiệt hại khoảng 25,1 tỷ đồng.

Nhà máy tàu biển Huyndai Vinashin (HVS) cũng là một doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng. Một số cần cẩu có giá trị lớn bị hư hỏng, mái tôn của các nhà xưởng bị bay, một số đoạn tường rào bị đổ. Đến ngày 7/11, toàn nhà máy vẫn chưa có điện, hệ thống thông tin liên lạc bị đình trệ.

Ngành y tế tỉnh thiệt hại khoảng 46,51 tỷ đồng

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, tổng thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra tại bệnh viện khoảng 2 tỷ đồng. Cụ thể, hơn 200 m tường rào của bệnh viện bị đổ sập hoàn toàn, nhiều khu nhà bị tốc mái, vỡ kính, một số trang thiết bị văn phòng, thiết bị y tế bị hư hỏng nặng, nhiều cây xanh bị gãy đổ…

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tổng thiệt hại cũng tương đương. Theo đó, tường nhà, tường rào, cổng nhà tang lễ, nhà rác, cấp cứu lưu bị sập hoàn toàn; khu vực thư viện, khu nhà 8 tầng bị tốc mái vỡ ngói nhiều chỗ; trần nhà nhiều khu vực bị hư hỏng nặng; cửa kính khối nhà 12 và 8 tầng bị vỡ nhiều nơi, hư hỏng hệ thống oxy…

Theo đại diện Sở Y tế, tính đến thời điểm ngày 7/11, tổng thiệt hại tài sản của toàn ngành ước tỉnh 46,51 tỷ đồng. Trong đó, các bệnh viện tuyến tỉnh là hơn 20,4 tỷ đồng, trung tâm y tế các huyện khoảng 24,38 tỷ đồng, còn lại là các cơ sở y tế khác.

Giao thông thiệt hại 4,8 tỷ đồng

Theo ông Nguyễn Công Định – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, bão số 12 đi qua khu vực tỉnh với mức độ, cường độ nặng, gây hậu quả nặng nề.

Theo thống kê, thiệt hại trên các tuyến Quốc lộ (Quốc lộ 1C và Quốc lộ 27B) do Sở được ủy quyền quản lý là 500 triệu đồng; thiệt hại trên các tuyến đường tỉnh 2 tỷ đồng; thiệt hại của các doanh nghiệp giao thông vận tải là 2,3 tỷ đồng. Dự kiến, kinh phí khắc phục khoảng 4,8 tỷ đồng (chưa tính đường Nha Trang – Đà Lạt do chưa thống kê được).

Điện, nước đang dần khôi phục để phục vụ sinh hoạt cho người dân

Tính đến ngày 7/11, theo báo cáo nhanh của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hoà, lưới điện trung áp đã khôi phục được trục chính của 61/78 xuất tuyến, chiếm 78,20%; số trạm biến áp phụ tải đã khôi phục 2.915/3.885 trạm, chiếm 75,03 %; công suất cung cấp điện là 171/200 MW, chiếm 85,5%. Hầu hết các phụ tải quan trọng đã được khôi phục cấp điện; Tại Cam Ranh – Khánh Sơn đã khôi phục 100%, huyện Cam Lâm khôi phục 98%; Tại TP. Nha Trang đã khôi phục 96%; Khu vực Diên Khánh – Khánh Vĩnh đã khôi phục cấp điện 50%,…

Về nước sinh hoạt, theo Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hoà, đến nay Nhà máy nước Võ Cạnh (công suất 100.000 m3/ngày đêm), Nhà máy nước Suối Dầu (công suất 10.000 m3/ngày đêm), Nhà máy nước Xuân Phong (công suất 15.000 m3/ngày/đêm) đã hoạt động trở lại, đảm bảo cung cấp nước tối thiểu cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Trong khi đó, VNPT Khánh Hoà cũng đã nỗ lực đấu nối hệ thống cáp bị đứt để mạng thông tin liên lạc được thuận lợi.

Trần Tâm (T/h)

Xem thêm: