Chính phủ vừa ban hành Nghị định 104/2017, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

59d1b1a6a5df8 khai khong thiet hai do thien tai bi phat 10 trieu dong
H.Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vừa gây nghi ngờ khi đưa ra con số thiệt hại do bão số 10 lên tới 940 tỷ đồng, nhưng 2 ngày sau rút xuống còn hơn 640 tỷ đồng. (Ảnh: baothanhhoa.vn)

Theo quy định mới, cá nhân, tổ chức cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng; thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời – mỗi hành vi bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, buộc nộp lại số tiền, hàng hóa hoặc số tiền bằng giá trị hàng hóa đã chiếm dụng, làm thất thoát.

Đối với vi phạm về đóng góp vào quỹ phòng, chống thiên tai, nghị định quy định phạt tiền bằng số tiền phải đóng góp còn thiếu theo từng đợt nhưng tối thiểu là 50.000 đồng, tối đa không quá 50 triệu đồng.

Đối với cá nhân, tính đến ngày 30/5 đã đóng nhưng chưa đóng đủ phải đóng theo quy định. Trong thời gian từ sau 30/5 đến hết 31/12 hàng năm mới đóng phần còn thiếu.

Đối với tổ chức kinh tế hạch toán độc lập, phải đóng đủ số tiền phải đóng góp theo quy định và số tiền còn thiếu của lần trước trước các ngày 30/10 và 31/12 hàng năm.

Đóng chậm quỹ phòng, chống thiên tai hàng năm, bị phạt tiền gấp 1,5 lần mức phải đóng góp theo từng đợt nhưng tối thiểu là 50.000 đồng, tối đa không quá 50 triệu đồng. Không đóng quỹ phòng, chng thiên tai hàng năm, phạt tiền gấp 2,0 lần mức phải đóng góp theo từng đợt nhưng tối thiểu là 50.000 đồng, tối đa không quá 50 triệu đồng.

Ngoài phạt tiền, buộc đối tượng vi phạm đóng góp quỹ phòng chống thiên tai theo mức quy định.

Ngoài ra là một số quy định khác như vận hành hồ chứa thủy lợi không đúng quy trình bị phạt từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng; Hoạt động sai nội dung quy định trong giấy phép xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, giấy phép sử dụng chất nổ và các hoạt động gây nổ trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép từ 1 – 3 tháng, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu…

Nghị định 104 có hiệu lực thi hành từ 1/11/2017, thay thế Nghị định 139/2013 về xử phạt hành chính trong khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng chống lụt bão.

Nguyễn Quân

Xem thêm: