Trong khuôn khổ hợp tác của 6 nước Tiểu vùng Mekong (Greater Mekong Subregion – GMS), nhiều phương tiện giao thông của 6 nước thành viên sẽ được đi lại qua biên giới mà không phải làm thủ tục tại các cửa khẩu.

cao toc hoa binh son la
(Ảnh minh họa: shutterstock)

Chiều ngày 15/3, Hội nghị Ủy ban hỗn hợp lần thứ 6 thực hiện hóa Hiệp định GMS-CBTA (Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mekong mở rộng) được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 6 quốc gia trong khu vực GMS.

Khuôn khổ hợp tác do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bảo trợ gồm 6 nước thành viên tham gia gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.

Trong chương trình hợp tác GMS, kết nối giao thông vận tải là ưu tiên hàng đầu, trong đó chiến lược vận tải trong thời gian tới là khuyến nghị mở rộng phạm vi của chương trình hạ tầng phần cứng – kết nối giao thông bao gồm cả đường bộ và đường sắt.

Chương trình hợp tác cũng đặc biệt khuyến khích việc áp dụng các chính sách thông thoáng tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới các nước GMS.

Tại hội nghị, đại diện các nước tham dự đã ký kết Bản ghi nhớ “Thu hoạch sớm” Hiệp định GMS-CBTA.

Theo đó, 6 quốc gia thành viên sẽ thống nhất quy trình tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình Một cửa/một lần dừng; Quy trình bảo lãnh cho phương tiện qua biên giới được thuận tiện; Quy định một loại giấy phép chung để phương tiện có thể đi qua tất cả các nước thành viên đã tham gia ký kết trên các tuyến hành lang đã thống nhất.

Cụ thể, các bên sẽ cấp 500 giấy phép mỗi ngày theo Nghị định thư số 3 của Hiệp định GMS-CBTA được công nhận bởi các nước thành viên, cho phép các phương tiện đi lại mà không phải làm thủ tục tại các cửa khẩu; Thực thi các chế độ của Hiệp định về tạm nhập phương tiện cơ giới, dựa trên Điều 18 của Hiệp định, cho phép tạm nhập mà không phải nộp các loại thuế nhập khẩu, không phải bảo lãnh hải quan…

Theo đó, bản ghi nhớ có vai trò tạo khuôn khổ pháp lý cho phép nhiều loại xe vận chuyển hàng hóa và người xuyên biên giới các nước, nhiều hàng hóa sẽ được vận chuyển bằng đường bộ thay vì đường biển, qua đó, sẽ giảm được chi phí logistics.

Trong khuôn khổ hợp tác GMS về giao thông vận tải, với Trung Quốc, hiện Việt Nam đã đưa vào sử dụng hoàn chỉnh cao tốc Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (từ tháng 12/2015); Trước năm 2020 sẽ hoàn chỉnh đưa vào khai thác cao tốc Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái – Bằng Tường.

Về phía Tây, tuyến hành lang kết nối cảng Đà Nẵng – Đông Hà (thuộc Quốc lộ 1) – Lao Bảo (theo Quốc lộ 9) – Quốc lộ 9 của Lào – Thái Lan – cảng Dawei của Myanmar (đoạn trên lãnh thổ Myanmar đang trong quá trình xây dựng) là tuyến hành lang quan trọng, rút ngắn cự ly vận chuyển bằng đường bộ từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương và ngược lại.

Với Campuchia, hành lang phía Nam và hành lang ven biển phía Nam đã được ADB hỗ trợ xây dựng. Tháng 4/2017, Việt Nam và Campuchia đã ký kết bản ghi nhớ về việc nghiên cứu và xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (cửa khẩu thông thương Quốc tế tới các nước trong khu vực ASEAN) dài 65 km và Phnompenh – Bà Vẹt (130 km).

Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) là vũng lãnh thổ bao gồm 6 nước: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc (gồm 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây) và Việt Nam. Khu vực có diện tích 2,3 triệu km2, với dân số khoảng 350 triệu người. Hợp tác Tiểu vùng Mekong tập trung vào 9 lĩnh vực ưu tiên chính gồm: Giao thông vận tải, Năng lượng, Môi trường, Du lịch, Viễn thông, Thương mại, Đầu tư, Phát triển nguồn nhân lực, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đăng Nguyên (T/h)

Xem thêm: