Đó là những con số hình dung về “cuộc chiến giành lại vỉa hè” vừa diễn ra ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong hai ngày cuối tháng 2. 

Phòng quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết trong 2 ngày 27-28/2, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xử lý 297 trường hợp lấn chiếm vỉa hè, phạt hành chính, thu về ngân sách hơn 242 triệu đồng.

Ngoài hơn 242 triệu đồng xử phạt, còn hơn 230 bàn ghế các loại bị thu giữ, 81 mái che, bạt che, cầu dắt xe, ô dù, biển quảng cáo… bị tháo dỡ.

1.562 người đã được huy động để “giành lại vỉa hè” với các thành phần tham gia gồm lãnh đạo quận, công an, đội thanh tra giao thông, nhân viên trật tự các phường…

Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cũng xuống đường, chỉ đạo lực lượng chức năng xử phạt hành vi lấn chiếm vỉa hè trên nhiều tuyến phố như Chả Cá, Lương Văn Can, Hàng Cân… Ông này cho hay việc “lấy lại vỉa hè” được “chúng tôi làm thường xuyên hàng năm, hàng tháng, làm sao duy trì cho đường thông, hè thoáng”

Nếu làm thường xuyên hàng năm, hàng tháng, có lẽ sẽ không cần những đợt “ra quân”. Và dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi cuộc ra quân ấy liệu rồi sau có “đánh trống bỏ dùi”?

cuộc chiến giành lại vỉa hè
Những gánh hàng rong len lỏi giữa cuộc sống thủ đô. (Ảnh: BinoCuong)

Với vị trí trung tâm thành phố, vỉa hè quận Hoàn Kiếm từ lâu được ngầm coi là những mảnh đất “vàng” cho việc kinh doanh, buôn bán. Chuyện vỉa hè thành quán nhậu, vỉa hè thành bãi giữ xe với hàng trăm xe máy kéo dài cả trăm mét đã quen tới nỗi khi PC67 (Công an TP. Hà Nội) xử phạt người đi bộ không tuân thủ luật giao thông, nhiều người mới ngỡ ngàng rằng mình có quyền và có trách nhiệm phải đi trên vỉa hè, thay vì bấy lâu nay tự hiểu “vỉa hè là của người ta”.

Tới nay không thấy đơn vị chức năng nào nhắc đến quy định này nữa. Những số liệu báo cáo đã dừng từ ngày 1 đến 24/2/2016, với 542 trường hợp người đi bộ vi phạm luật giao thông bị xử lý, thu về nộp hơn 38 triệu đồng vào ngân sách.

Trong hai ngày vừa qua, khi việc “giành lại vỉa hè” được thực hiện rầm rộ như báo cáo, thì trên nhiều tuyến phố như Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản… ô tô vẫn đỗ tràn trên vỉa hè. Những chiếc xe chiếm 1/2 hoặc cả vỉa hè đậu ngay cạnh bảng cấm cho thấy những quy định đã bị “bẻ cong” ra sao, dù trên những con phố này không thiếu các chốt gác giao thông.

Ngay trong đợt ra quân “giành lại vỉa hè” nói trên, những con phố bị chiếm dụng ngang nhiên thành bãi gửi xe máy cũng không thấy được nhắc tới. Những bãi trông giữ xe “chui” nhưng lại nằm chình ình giữa phố như Gia Ngư, Cầu Gỗ, Đinh Liệt… Còn những ai đã sống đủ lâu ở các tuyến phố đô thị, sẽ thấy việc các hộ và hàng quán vỉa hè, người bán rong “chạy” đội trật tự là việc họ phải quen tới mức thành thục.

Không phải người dân không biết đúng sai, nhưng câu chuyện nằm ở năng lực và trách nhiệm của nhà quản lý. Năm 2015, UBND quận Hoàn Kiếm từng bị nêu tên khi ký và đều đặn gia hạn giấy phép cho doanh nghiệp đỗ xe trên vỉa hè phố Quán Sứ. Năm 2012, theo kết quả thanh tra việc sử dụng vỉa hè, lòng đường của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Sở và các quận tại Hà Nội đã “đua nhau” cấp phép trông giữ xe sai quy định. Giá trị của những mảnh vỉa hè lớn tới đâu? Một trong các kết luận thanh tra là do việc bất nhất trong cách tính phí sử dụng lòng đường, vỉa hè, các cơ quan của thành phố đã gây thất thu hàng chục tỷ đồng.

Theo quy định tại Điều 35, Luật giao thông đường bộ năm 2008, hành vi buôn bán trên hè phố, trên đường bộ là bị cấm. Nhưng khoản 2 điều này lại cho phép “việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông”. Điểm g, Khoản 1, Điều 6, Nghị định 39 của Chính phủ về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh cũng quy định về điểm này. Đây là cơ sở để các tỉnh, Sở cho phép kinh doanh trên lòng đường, vỉa hè tràn lan, bất kể quy định đã nêu rõ việc cấp phép sử dụng phải “không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông”. 

Những cuộc ra quân “giành lại vỉa hè” vẫn được các cơ quan chức năng nói là vì người đi bộ. Nhưng vỉa hè của người đi bộ không chỉ bị lấn chiếm bởi những hộ kinh doanh tràn vỉa hè, những quán nước hay gánh hàng rong. Chúng bị chiếm ngay từ trên các cấp quản lý với những giấy phép được cấp không đúng quy định. Theo đó, ra quân “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” nhưng chỉ dừng lại ở những xao xác bên đường liệu đã đúng và đã đủ?

Cho tới khi việc cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố được quản lý nghiêm ngặt, việc giữ trật tự được thực hiện một cách ôn hòa và thiện chí, việc xử phạt hành chính hành được thực hiện đúng theo trình tự pháp luật, thay vì ngay lập tức tịch thu, tháo dỡ…, đồng thời những quy định về khu vực cho phép buôn gánh bán rong được đưa ra, thì lúc ấy người dân mới tìm lại được quyền sử dụng không gian để buôn bán, sinh hoạt, cũng như không còn bất đắc dĩ bị lôi kéo vào những “cuộc chiến” tiền hô, hậu ủng.

Lê Trai

Xem thêm: