Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, vấn đề về oan sai, bỏ lọt tội phạm, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, trách nhiệm bồi thường oan sai nhận được nhiều ý kiến chất vấn. Tuy nhiên, phần trả lời chưa thực sự đáp ứng được nội dung chất vấn của đại biểu hoặc hết thời gian trả lời trực tiếp. 

chanh an nguyen hoa binh1
Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trong phiên chất vấn sáng 18/11. (Ảnh: VGP)

Nhiều đại biểu chất vấn và giành quyền tranh luận như đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam), Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận), Đặng Hoàng Tuấn (Long An), Ngô Duy Hiếu (Hà Nội), Bùi Quốc Phòng (Thái Bình), Mai Sỹ Diên (Thanh Hóa), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)…

Gửi câu hỏi đến Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) dẫn vụ án oan sai 28 năm tại Tuần Giáo (Điện Biên). Ông Hải cho biết 28 năm qua, ba mẹ con là bà Đặng Thị Nga là vợ cùng hai con trai là Trịnh Công Hiếu và Trịnh Duy Dương cùng rơi vào trong vòng lao lý, bị kết án về tội giết chồng, giết cha. Sau 28 năm không chịu được oan ức, ông Trịnh Công Hiếu qua đời mang theo tội giết cha.

Ngày 24/10/2017 vừa qua, cơ quan tố tụng tỉnh Điện Biên xác định vụ án bị oan, tiến hành tổ chức xin lỗi công khai gia đình người bị oan. Đại biểu nhấn mạnh “hậu quả để lại cho gia đình người bị oan là rất lớn”.

Đề nghị Chánh án cho biết trách nhiệm gây ra oan sai thuộc cơ quan nào và cách xử lý?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Ngọc Hải, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết đây là một vụ án rất đáng tiếc đã xảy ra từ 27, 28 năm trước.

Khi đại biểu Quốc hội chuyển cho tôi hồ sơ này, tôi cũng nhận thấy có dấu hiệu án oan. Thực chất trong vụ án này tòa án tối cao đã hủy từ lâu rồi, từ 2003, sau khi hủy xong hồ sơ để ở cơ quan điều tra cho đến hôm nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Trong biên bản khám nghiệm tử thi ban đầu, có nguyên nhân cái chết là vỡ sọ, nhưng trong yêu cầu của tòa án tối cao khi khai quật lần 2 thì phát hiện hộp sọ vẫn còn nguyên, nên tôi xác nhận đây là vụ án oan”, ông Bình cho hay.

Tuy nhiên, về việc chịu trách nhiệm gây án oan sai, Chánh án cho biết mới dừng lại ở việc cho đại diện của 3 cơ quan tiến hành tố tụng Điện Biên xin lỗi gia đình; việc truy cứu trách nhiệm thì 3 cơ quan tiến hành tố tụng Điện Biên phải xem lại hồ sơ để kiểm điểm và xử lí theo quy định cả ba giai đoạn lẫn điều tra, truy tố và xét xử mới tìm ra những người nào làm nên án oan này. “Còn việc thương lượng bồi thường thì đang diễn ra theo đúng quy định“, Chánh án cho biết thêm.

Vẫn liên quan tới án oan sai, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) đề nghị Chánh án trả lời về việc các điều tra viên bức cung, nhục hình, buộc bị can nhận tội, gây nên án oan.

Báo cáo thẩm tra của uỷ ban tư pháp về công tác tư pháp có nêu là từ các vụ án oan thời gian qua, người bị oan như ông Nguyễn Thanh Trấn, Huỳnh Văn Nén, Hàng Đức Long,… đều khai trong quá trình điều tra đã bị các điều tra viên bức cung, nhục hình nên buộc phải nhận tội. Đề nghị Bộ công an, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá cụ thể vấn đề bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra và có giải pháp để khắc phục triệt để vấn đề này“, đại biểu chất vấn về trách nhiệm gây án oan đối với cơ quan điều tra.

Đối với riêng ngành tòa án, đại biểu đề nghị Chánh án cho biết đã rút được kinh nghiệm gì và đã có giải pháp gì trong công tác xét xử để giúp cho thẩm phán tìm ra sự thật khi các bị cáo khai rằng bị ép cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn về việc bản án của tòa phúc thẩm tuyên sai, đùn đẩy trách nhiệm. Lỗi này ai chịu trách nhiệm? Người dân liệu có được bồi thường không? Ai bồi thường?

“Hiện nay, có một số không ít các bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật, đã được tổ chức thi hành án xong, có trường hợp phải cưỡng chế thi hành án, nhưng sau đó lại bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm để giải quyết lại và kết quả lần sau thì trái ngược hoàn toàn với bản án đã tuyên lúc đầu, người bị cưỡng chế kháng kiện lại.

Người bị thi hành án bị thiệt hại về vật chất và tinh thần do bản án của tòa án cấp phúc thẩm tuyên sai lúc đầu, nhưng khi yêu cầu đòi bồi thường do bản án bị hủy hoặc bị sửa thì tòa án đùn đẩy trách nhiệm cho rằng không phải lỗi của tòa án, như vậy thì lỗi của ai?

Người dân bị thiệt hại do cơ quan thi hành án thực hiện theo bản án của tòa án tuyên, theo chánh án thì trong trường hợp này người dân có được bồi thường thiệt hại không, nếu có thì cơ quan nào chịu trách nhiệm bồi thường? Không thể để người dân khiếu nại mãi mà không giải quyết được”.

Cuối phiên chất vấn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chuyển câu hỏi của một cử tri, nhắc lại lời tuyên thệ của luật sư, cho hay nếu như 4 ngành cùng có 4 tuyên thệ khi bổ nhiệm thì sẽ tạo ra đột phá trong việc chống tham nhũng, khắc sâu về tính công liêm như tại Hội minh thề.

“Bây giờ các chức danh như điều tra viên, công tố (kiểm sát), thẩm phán, luật sư khi nhận được quyết định hoặc được kết nạp vào đoàn luật sư chẳng hạn, thì đọc một lời tuyên thệ:

Thứ nhất, tuyệt đối trung thành với hiến pháp

Thứ hai, bảo vệ công lý

Thứ ba là không tham nhũng, tuyệt đối không tham nhũng

Đọc lời tuyên thệ 3 nội dung đó khi nhận quyết định bổ nhiệm hoặc khi được kết nạp, về phía luật sư, tôi hoàn toàn ủng hộ có cái tuyên thệ đó“, đại biểu Nghĩa bày tỏ quan điểm.

“Nếu như 4 ngành này mà tuyên thệ như thế thì tôi nghĩ cũng góp phần tạo ra sự đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng. Tất nhiên chúng ta đều biết luật pháp đều có quy định, đảng viên cũng có quy định rõ ràng hết rồi, nhưng chưa đủ lực. Cho nên, nếu như khi bổ nhiệm mà được đọc lời tuyên thệ đó một cách rõ ràng minh thị như vậy, tôi tin rằng cử tri sẽ có niềm tin cao hơn, đồng thời cũng giám sát chặt chẽ hơn, và những người tuyên thệ như thế họ sẽ bảo vệ danh dự uy tín của mình…”

“Nhiều người nói hồi xưa là đã có những Hội minh thề, tức là những người làm quan làm quyền thề trước dân là trong sạch và không tham nhũng. Bây giờ các ông có dám thề không? Theo tôi nghĩ, hệ thống của chúng ta không việc gì mà không dám thề. Xin Chánh án cho biết ý kiến”.

Mặc dù nhiều câu hỏi được đưa ra, phiên trả lời chất vấn của Chánh án Nguyễn Hòa Bình kết thúc vào trưa 18/11. Tổng cộng 30 đại biểu chất vấn tại hội trường, 12 đại biểu đăng ký tranh luận (10 đại biểu tham gia tranh luận), còn 11 đại biểu xin gửi tới Tổng thư ký Quốc hội và gửi đến Chán án Tòa án Nhân dân Tối cao, Chánh án trả lời bằng văn bản.

Nhóm PV

Xem thêm: