Hộ chiếu Việt Nam có “quyền lực” xếp hạng thứ 90/104 trong toàn bảng xếp hạng Chỉ số giới hạn thị thực của Henley & Partners 2017 và xếp thứ 9/11 nước trong khu vực Đông Nam Á với 45 quốc gia miễn thị thực.

ho chieu viet nam Henley & Partners 2017 2
(Ảnh minh họa: qua btrip.vn)

Từ năm 2006, Bảng xếp hạng Chỉ số giới hạn thị thực được Công ty Tư vấn Cư trú và Quốc tịch toàn cầu Henley & Partners phối hợp thực hiện với Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy khả năng được miễn thị thực của công dân các nước trên thế giới.

Theo Chỉ số Giới hạn thị thực năm 2017 vừa được Henley & Partners công bố gồm 218 nước, hộ chiếu của Đức vẫn giữ vị trí số 1 với khả năng được miễn thị thực tại 176 quốc gia. Thụy Điển giữ vị trí thứ 2 với 175 quốc gia; các nước Đan Mạch, Phần Lan, Italy, Tây Ban Nha và Mỹ cùng ở vị trí thứ 3 với 174 quốc gia miễn thị thực.

Cuối bảng xếp hạng là các nước: Syria, Pakistan, Iraq và Afghanistan khi chưa có đến 30 quốc gia trên thế giới chấp nhận miễn thị thực. Bảng xếp hạng năm nay có sự thay đổi nhẹ so với năm 2016 khi Somalia không còn ở top 4 cuối bảng xếp hàng, công dân của quốc gia này có thể tiếp cận đến 30 quốc gia miễn thị thực. Peru là quốc gia có bước nhảy vọt lớn nhất trong bảng xếp hạng chỉ số năm nay khi cải thiện được 15 vị trí.

Theo Tiến sĩ Christian H.Kälin – Chủ tịch của Henley & Partners, các quốc gia có chương trình đầu tư định cư hấp dẫn nhất vẫn tiếp tục sở hữu các tấm hộ chiếu ‘quyền lực lớn’ trong bảng xếp hạng, như: “Quốc đảo Malta sở hữu chương trình đầu tư định cư hàng đầu thế giới và cũng sở hữu tấm hộ chiếu quyền lực thuộc top 10 trong bảng xếp hạng với khả năng được miễn thị thực tại 167 quốc gia. Áo cũng nằm trong danh sách top 10 quốc gia có tấm hộ chiếu “quyền lực nhất” với 173 quốc gia và Cộng hòa Sip ở vị trí số 16 với 158 quốc gia miễn thị thực”.

ho chieu malta
Quốc đảo Malta sở hữu tấm hộ chiếu quyền lực thuộc top 10 trong bảng xếp hạng. (Ảnh: qua lovinmalta.com)

Tại Đông Nam Á, Singapore sở hữu tấm hộ chiếu “quyền lực” nhất với khả năng được miễn thị thực tại 173 quốc gia – giữ vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng toàn cầu cùng với Bỉ, Anh và Áo; xếp thứ 2 tại Đông Nam Á là Malaysia với 164 quốc gia, lần lượt sau đó là Brunei, Đông Timor, Thái Lan,…

Hộ chiếu Việt Nam có “quyền lực” xếp hạng thứ 90/104 trên toàn bảng xếp hạng của Henley & Partners 2017 và xếp thứ 9/11 nước trong khu vực Đông Nam Á với 45 quốc gia miễn thị thực, xếp sau Lào và Campuchia cùng ở vị trí 88; xếp cuối khu vực Đông Nam Á là Myanmar (ở vị trí 93 của bảng xếp hạng).

ho chieu viet nam Henley & Partners 2017
Tấm hộ chiếu của Việt Nam có ‘quyền lực’ xếp thứ 9/11 nước tại Đông Nam Á. (Nguồn: Henley & Partners)

Mặc dù xếp hạng thứ 90 trong tổng số 218 quốc gia được Henley & Partners công bố nhưng tấm hộ chiếu Việt Nam chỉ “quyền lực” hơn 25 quốc gia khác trên thế giới vì các quốc gia được xếp vị trí đồng hạng; trong 25 quốc gia này, phần lớn đều ở khu vực châu Phi, Trung Đông và Nam Á.

Cụ thể:

  • Xếp hạng 91: Burundi, Nigeria
  • Xếp hạng 92: Congo, Jordan, Liberia
  • Hạng 93: Myanmar
  • (94): Djibouti, Triều Tiên
  • (95): Bangladesh, Iran, Sri Lanka
  • (96): Ethiopia, Lebanon, South Sudan
  • (97): Nepal, Sudan, Palestin
  • (98): Eritrea, Yemen
  • (99): Libya
  • (100): Somalia
  • (101): Syria
  • (102): Pakistan
  • (103): Iraq
  • (104): Afghanistan

Theo Tiến sĩ Kälin, “vẫn có sự khác biệt rất lớn về khả năng tự do di trú giữa các quốc gia, mặc dù thế giới dường như ngày càng trở nên dễ dàng lưu thông tự do hơn. Nhìn chung, yêu cầu về thị thực phản ánh mối quan hệ của một quốc gia với các quốc gia khác, nhất là phản ánh quan hệ ngoại giao giữa các nước, việc chấp thuận thị thực giữa hai bên, những mối nguy liên quan đến an ninh, thị thực và nhập cư trái phép”.

Khởi Nguyên

Xem thêm: