Cho rằng không đi trên đường BOT tuyến tránh TP Hà Tĩnh nhưng vẫn phải đóng phí, người dân đã tập trung hơn 30 chiếc xe ben, xe tải và ô tô con dán băng rôn ở hai đầu trạm thu phí Cầu Rác (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) để phản đối.

phan doi BOT
Nhiều chủ phương tiện phản đối việc thu phí BOT tại trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh). (Ảnh: FB Việt Hiếu)

Ngày 16/4, nhiều người dân huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã điều khiển hơn 30 chiếc xe ben, xe tải loại dưới 8 tấn và ô tô 4 chỗ cùng tập trung đi chậm về phía đầu trạm thu phí Cầu Rác (nằm trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên). Rất nhiều xe có dán giấy viết dòng chữ: “Chúng tôi không đi đường BOT tại sao phải trả phí”, Hãy trả tiền cho người dân nghèo hơn 20 năm đóng phí

Những chủ phương tiện này cho rằng họ không tham gia tuyến đường tránh TP. Hà Tĩnh nằm cách khu vực xã Cẩm Trung khoảng 50km, nhưng vẫn phải đóng phí BOT. Do đó, nhiều người dân yêu cầu cơ quan chức năng miễn phí BOT khi đi qua Cầu Rác, hoặc là dời trạm thu phí này đặt ở đầu hoặc cuối tuyến đường tránh TP. Hà Tĩnh.

Sự việc gây ách tắc giao thông cục bộ trên quốc lộ 1A đoạn qua khu vực xã Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên).

Ách tắc khiến lực lượng cảnh sát giao thông phải tiến hành phân luồng, điều tiết giao thông. Sau khi “đi” hai lượt qua trạm thu phí Cầu Rác, khoảng một giờ sau, đám đông giải tán, giao thông trở lại bình thường.

Ông Trịnh Xuân Phúc – Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Đà cho biết đơn vị đã làm tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất giảm 50% giá vé đối với các tất cả các phương tiện của người dân sống gần khu vực Cầu Rác, nhưng chưa nhận được phản hồi từ phía bộ.

phan doi BOT
Hơn 30 xe đi chậm qua trạm thu phí để phản đối phí BOT thu bất hợp lý. (Ảnh: FB Việt Hiếu)

Được biết, trạm thu phí Cầu Rác được xây dựng với mục đích để thu phí trên quốc lộ 1 do Sở GTVT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Năm 2005, Hà Tĩnh kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh. Công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà được chọn làm chủ đầu tư. Tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh dài 16 km, từ xã Thạch Long (huyện Thạch Hà) đến xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên), được xây theo hình thức BOT.

Tháng 5/2009, công trình hoàn thành, công ty Sông Đà đề xuất được sử dụng trạm Cầu Rác (đặt tại địa phận xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên) thu phí để hoàn vốn đầu tư từ đó đến nay.

Trước đó, người dân vùng cầu Bến Thủy (giáp ranh Nghệ An và Hà Tĩnh) liên tục phản đối việc thu phí BOT tại trạm Bến Thủy 1. Lần gần đây nhất, sau khi ký đơn tập thể kiến nghị gửi tới Quốc hội và Chính phủ, hơn 100 xe ô tô các loại do người dân điều khiển đi từ Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đến TP. Vinh (Nghệ An) qua cầu Bến Thủy 1, dùng tiền lẻ mua vé qua trạm gây áp lực đối với chủ đầu tư là Công ty Cienco 4.

Ngày 11/4, Bộ GTVT thống nhất giảm 100% phí cho các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn) và loại 2 (xe từ 12 đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn) của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú; các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính tại TP. Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) và thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh).

Ngoài ra, xe buýt cũng được miễn phí khi chạy qua trạm thu phí Bến Thủy 1. Việc thực hiện giảm 100% phí dịch vụ sử dụng đường bộ sẽ được áp dụng từ ngày 24/4/2017.

Minh Long

Xem thêm: