Đây là một trong những nội dung được nhắc đến trong Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Sở GDĐT Hà Nội năm 2017 vừa được ban hành.

tinh gian bien che
(Ảnh: Dat Nguyen Van/2016)

Theo Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Sở GDĐT thành phố Hà Nội năm 2017 – Quyết định số 4165/QĐ-SGD&ĐT, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các trường thực hiện việc triệt để tiết kiệm các chi tiêu ngân sách, trước hết là chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng, hội nghị, hội thảo, mua sắm tài sản nhà nước, xây dựng cơ bản…

Bên cạnh đó, các đơn vị cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương. Tăng cường giám sát việc công khai và minh bạch trong sử dụng ngân sách, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực lãng phí.

Đặc biệt, chương trình yêu cầu chống lãng phí trong sử dụng nguồn lực lao động; phấn đấu tinh giản biên chế ở mức tối đa trên cơ sở nâng cao hiệu quả năng suất, hiệu quả làm việc trong các đơn vị.

Sở GDĐT đề ra một số chỉ tiêu tiết kiệm trong các lĩnh vực như tiếp tục tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương; tiết kiệm tối thiểu 12% kinh phí hội thảo, hội nghị, tọa đàm, tiếp khách, khánh tiết, kỷ niệm,… tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn ra, đoàn vào.

Đáng chú ý, Sở yêu cầu hạn chế tối đa việc bổ sung các đoàn đi công tác nước ngoài không theo dự toán; không đề xuất, phê duyệt các đề tài có nội dung trùng lặp, thiếu khả thi.

Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư cơ bản từ ngân sách nhà nước, yêu cầu tiết kiệm từ 10-12% tổng mức đầu tư; thực hiện kiểm tra, giám sát tất cả các khâu, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu.

Sở yêu cầu các phòng ban cơ quan Sở, trực thuộc Sở hạn chế mua sắm xe ô tô và trang thiết bị đắt tiền; không bổ sung kinh phí ngoài dự toán, kể cả nguồn tăng thu ngân sách nhà nước để mua ô tô; thực hiện phương án khoán xe ô tô công theo lộ trình của Chính phủ.

Về quản lý và sử dụng lao động, Sở cho biết sẽ thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về tinh giản biên chế, đảm bảo đạt chỉ tiêu giảm 2% mỗi năm, để đến năm 2020 giảm 10% so với biên chế sự nghiệp được giao năm 2015.

Việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức mới sẽ không quá 50% số người tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.

Sở yêu cầu các phòng ban cơ quan Sở, trực thuộc Sở quản lý chặt chẽ thời gian lao động, giám sát chất lượng, hiệu quả làm việc của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị thuộc Sở; rà soát, bố trí đội ngũ giáo viên, nhân viên đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm nhưng vẫn hoàn thành tốt công việc được giao.

Chương trình do các phòng ban thuộc Sở và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở báo cáo kết quả thực hiện, thời hạn gửi báo cáo trước ngày 10/1/2018. Trường hợp cần báo cáo đột xuất sẽ yêu cầu số liệu và thời hạn cụ thể theo cơ quan có thẩm quyền.

Nghịch lý giáo viên ‘vừa thừa, vừa thiếu’

Tháng 1/2017, báo cáo của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Trần Kim Tự cho biết Hà Nội thiếu đến 2.696 giáo viên bậc tiểu học. Sơn La thiếu 1.133 người, Gia Lai thiếu 1.196 người…

Tuy nhiên, theo  báo cáo của UBND TP. Hà Nội công bố vào tháng 5/2017, so với năm 2011, số biên chế của thành phố đã tăng hơn 29.000 người, trong đó lĩnh vực y tế và giáo dục tăng trên 28.300 người. Giải thích về điều này, UBND TP cho biết trong các năm qua đã tuyển dụng hơn 16.200 giáo viên hợp đồng vào biên chế theo lộ trình tới năm 2015 đủ về số lượng, trình độ chuyên môn theo chuẩn.

Trên toàn quốc, tổng số giáo viên công lập dôi dư là 26.750 người, trong khi tổng số giáo viên công lập còn thiếu lên tới 45.058 người, theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

Nguyễn Quân

Xem thêm: