Cầu Mễ Sở có chiều dài 13,8 km, chiều rộng 17 m nối Hà Nội và Hưng Yên. Tổng vốn đầu tư  khoảng 4.881 tỷ đồng theo hình thức BOT, thời gian hoàn vốn 22 năm 11 tháng.

cau-me-so
Khu vực xây cầu Mễ Sở. (Ảnh: google maps)

UBND TP. Hà Nội vừa báo cáo Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT xem xét, hướng dẫn trình tự thủ tục, quy mô đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng cầu Mễ Sở và đường hai đầu cầu thuộc vành đai 4 quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội theo hình thức BOT.

Dự án trên được đề xuất bởi liên danh Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Nguyên Minh.

Theo thiết kế, dự án có chiều dài là 13,8 km, chiều rộng (giai đoạn 1) là  17 m với tổng mức đầu tư khoảng 4.881 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn khoảng 22 năm 11 tháng.

Điểm đầu dự án tại km 0 là nút giao Quốc lộ 1A với đường vành đai 4 thuộc huyện Thường Tín (TP. Hà Nội). Điểm cuối dự án tại km 13+176 là nút giao đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường vành đai 4, thuộc huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Địa điểm đặt trạm thu phí tại phía Đông cầu Mễ Sở (khoảng km 9+400) thuộc huyện Văn Giang.

Theo liên danh nhà đầu tư, dự án đi vào hoạt động sẽ kết nối đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng giúp phân luồng giao thông, giảm phương tiện vào khu vực nội đô thành phố, giảm ùn tắc giao thông; tăng hiệu quả khai thác của 2 tuyến đường cao tốc,…

Trước đó, UBND TP. Hà Nội và tỉnh Hưng Yên đã thống nhất với Bộ GTVT về việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay dự án chưa được triển khai.

Mới đây, Bộ GTVT đã thống nhất giao UBND TP. Hà Nội là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án.

Để thống nhất trong việc nghiên cứu lập và triển khai dự án, UBND thành phố kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến về quy mô đầu tư, hình thức hợp đồng, phương án đặt địa điểm trạm thu phí, phương án phân kỳ đầu tư đảm bảo hiệu quả kinh tế và đáp ứng nhu cầu giao thông cho các giai đoạn phát triển; các vấn đề cần quan tâm xem xét giải quyết trong lĩnh vực chuyên ngành.

Do phạm vi dự án thuộc địa giới TP. Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, vì vậy, phía Hà Nội đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét, hướng dẫn về trình tự, thủ tục cần triển khai thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư, Nghị định số 15 ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Liên quan đến việc đầu tư xây cầu vượt sông, trước đó, UBND TP. Hà Nội đề xuất Chính phủ xin cơ chế đặc thù xây dựng 6 cây cầu: Tứ Liên, cầu Thượng Cát, cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Đuống 2 và cầu Giang Biên – bắc qua sông Hồng, sông Đuống với tổng mức đầu tư khoảng 57.000 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD).

Theo UBND TP. Hà Nội, việc xây dựng cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống có vai trò khép kín và tạo sự liên kết các tuyến đường vành đai 3, 3,5, 4, đồng thời giúp mở rộng hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng. Dự kiến đến năm 2030, TP. Hà Nội sẽ xây dựng 18 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy và Sông Đà.

Hoàng Minh

Xem thêm: